ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150

Heidelberg kinh thành cổ tích

Đi dọc châu Âu, kể cả Đấu trường La Mã gần 2.000 năm tuổi hay các tòa lâu đài được cả thế giới nghiêng mình vinh danh là xứ sở cổ tích thần tiên đi nữa, nó cũng không cho người ta cảm giác nao lòng như đến Heidelberg.

19/04/2019 06:36

Vẻ đẹp hoang phế bao giờ cũng rất khơi gợi cảm xúc của du khách. Những chỗ tinh tươm, hoa chăm cỏ xén thì người ta bây giờ cứ có tiền là xây và mua được hết. Còn lâu đài Heidelberg 804 năm tuổi đã đón chúng tôi bằng một cảnh sắc đẹp lạ lùng.

Ở khách sạn gần 500 tuổi

Từ Paris, sau một ngày rong ruổi ngắm nước biếc non xanh, chầm chậm, con sông thơ mộng của Heidelberg đón chúng tôi vào lòng nó. Nhìn qua lô xô các mái nhà đỏ vàng, nâu sẫm, những tháp chuông nhà thờ như trong chuyện xưa cũ càng, tôi sững sờ trước một không gian hoang phế ngoài sức tưởng tượng. 

Các kiến trúc hình ống, hình vòm, các tường thành khổng lồ ốp kín cả góc đường chân trời. Chúng chênh vênh, cao vút. Nơi này, nó bình yên và xưa cũ, lại lịch lãm. 

Khỏa nước sông Neckar, đi bộ trên phố cũ hay leo ngắm lâu đài cũ, bạn đều có cảm giác run rẩy được chạm tay vào nhiều thế kỷ lịch sử vùng đất cổ huyền thoại - khi mà tất cả dường như vẫn vẹn nguyên, nhìn thấy được tận mắt, sờ thấy được tận tay. Đây là thành phố duy nhất được bảo tồn nguyên vẹn nhất của nước Đức sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

 
Tòa lâu đài cổ Heidelberg.

Đây, khách sạn Zumritter cổ kính gần 500 năm tuổi. Nó sừng sững, cao vòi, cuồn cuộn các lớp trang trí nguyên vẹn từ gần nửa thiên niên kỷ trước. Nếu trừ khu lâu đài cổ tích trên đỉnh núi ra, thì đây là căn nhà cổ kính nhất còn nguyên vẹn đến tận bây giờ ở Heidelberg. 

Bây giờ, người Heidelberg “bán dịch vụ” của khách sạn cao lồng lộng, đẹp cầu kỳ kỹ càng như một cái vương miện quân vương kia với giá rất rất cao. Lý do nó đắt đỏ, vì người thuê sẽ được sống ở một khu nhà rất rất cũ - cũ đến mức lẽ ra họ phải đập đi nâng cấp từ hơn 420 năm trước rồi thì mới phải lẽ trong nghề kinh doanh lữ hành. Nghe có vẻ oái oăm, nhưng câu chuyện của lịch sử thì bao giờ cũng ngộ nghĩnh đến trớ trêu thế.

Nơi này, khêu gợi sự kỳ diệu của vẻ đẹp hoang phế nhất, chắc chắn là mênh mông “pháo đài” thành cổ/ tòa lâu đài Heidelberg. Được xây bằng đá sa thạch đỏ, lại nằm chon von trên đồi núi cao, phóng tầm mắt bao quát khắp cả thành phố Heidelberg, tòa lâu đài cổ tích hơn cả cổ tích này đã là một phế tích từ lâu.

 Lịch sử ghi rõ: lâu đài Heidelberg được xây dựng năm 1214. Xuất phát điểm là nơi ngự trị của các bá tước vùng Plalz trong suốt  5 thế kỷ. Sau nhiều lần mở rộng, tạo tác thêm các hạng mục cầu kỳ, năm 1537, những tia sét với sức công phá kinh hoàng đã phá hủy một phần bề thế của lâu đài. Chẳng thế mà sự kiện sét đánh này được ghi tạc lại kỹ càng đến tận ngót 500 năm sau. 

Đến cuộc chiến tranh vùng Plalz, cuộc chiến ly khai Phục hưng hay còn gọi là chiến tranh Orleans, từ năm 1688 đến 1697, quân đội kỵ binh của người Pháp lúc bấy giờ đã nhẫn tâm phá hủy nhiều hạng mục của lâu đài Heidelberg. Sau này, qua nhiều lần trùng tu, đến năm 1764, sét lại tiếp tục đánh vỡ nhiều phần của biểu tượng vùng  Heidelberg.

 
Một góc thành phố Heidelberg nhìn từ trên cao với cây cầu Carl Theodor được làm từ hơn 800 năm trước.

Đi bộ mênh mông, “xe lửa”/ đường sắt có dây kéo, đưa khách tham quan lâu đài Heidelberg phải đi qua hai nhà ga lớn. Bản thân mỗi nhà ga, mỗi con tàu xưa cũ ấy đã là kỳ quan để thăm ngắm rồi. Từ dưới phố xá lên trạm Heidelberger Bergbahn; thăm thú chán, lại lên “tàu hỏa leo dốc” đến trạm Kornmarkt Heidelberg. Sau đó đi bộ tiếp đỉnh của núi Konigstuhl - nơi tọa lạc của vô số hạng mục, “villa biệt thự” cổ của vùng Heidelberg. 

Bây giờ, chỉ cần lơ phơ tản bộ, bạn đã đủ thấy tàn tích một thời huy hoàng lộng lẫy này nó đã từng và vẫn luôn làm say lòng người đến mức nào. Một pháo đài kỳ vĩ, một “cung vàng điện ngọc” đủ lớp lang. 

Một điểm cao đắc địa để bao quát cả “non sông gấm vóc” là thành phố cổ Heidelberg bên dưới. Tôi ngờ rằng, vì lâu đài bị hoang phế và vì người Đức biết tinh tế biết giữ nguyên vẻ hoang phế đó để hồi tưởng và thu bộn tiền từ phát triển du lịch, cho nên lâu đài còn gợi cảm hơn trong nỗi niềm dâu bể của mỗi khách du.

Điều cần nhấn mạnh ở đây, rằng: lâu đài đã đẹp, vẻ hoang phế không ai muốn nhưng đôi khi nó còn tạo một hương vị quyến rũ bất ngờ. Con sông trải dài xanh lơ, êm đềm như không hề trôi chảy. Cây xanh lúp xúp phủ kín đôi bờ. 

Từ lâu đài nhìn xuống, không một mái nhà nào làm khác đi so với các kiến trúc vừa Baroque/ Gothic vừa Phục hưng đan xen. Vừa mái vòm, vừa tròn vừa van vát lục lăng hay hình thang. Dáng nhất thể, màu sắc cũng chỉ vài thể dạng theo đúng những gì tòa lâu dài và các nhà thờ cổ đã mang tải từ nhiều thế kỷ qua. Màu đá sa thạch đỏ, màu ngói đỏ nâu, cùng lắm là sẫm xanh. Không có chuyện màu cổ - kim, nóng - lạnh vả nhau đôm đốp. 

Họ đã khống chế, để chăm sóc từng góc nhìn, từng góc máy chụp ảnh quay phim cho người thăm ngắm. Dĩ nhiên, họ làm vì văn hóa bảo tồn và văn hóa tôn trọng tổ tiên của họ, sau nữa mới là vì du khách như chúng tôi. Dĩ nhiên, ở cuối đường chân trời, phóng tầm mắt qua ống kính tê-lê máy ảnh, có thể thấy các đô thị với nhà chung cư, các ống khói thô kệch tân kỳ. Điều này càng khiến ta khâm phục khả năng quy hoạch, cân bằng bảo tồn và phát triển của người Heidelberg!

Những dấu hỏi trong Nhà tù Sinh viên

Các công trình đáng tự hào của Heidelberg cũng theo một kiến trúc với tông màu đó. Cũng vỗ tay chung vào trong dàn đồng ca cổ tích đáng nể của thành phố êm đềm lãng mạn và được bảo tồn nguyên vẹn nhất của nước Đức. 

Cây cầu Carl Theodor, một biểu tượng cổ kính của Heidelberg (thường được gọi là Cầu Cũ), được làm từ hơn 800 năm trước, nó được biết đến là một trong những cây cầu có niên đại cao nhất nước Đức. Làm bằng đá sa thạch đỏ hồng, có linh vật nửa mèo nửa chuột, nửa sư tử nửa quái thú rất lạ kỳ được yểm ở đầu cầu. Càng khiến nơi đây trở thành “điểm nóng” thu hút khách du lịch. 

Trên cầu, các thiếu nữ cầm đàn cổ bằng gỗ (như đàn tranh của ta) biểu diễn nghệ thuật lí lơi xinh xẻo. Có hệ thống các vị thần sông trong toàn khu vực được dựng tượng xung quanh tượng một vị nam tước sang trọng cao vời vợi. 

Ở hai đầu cầu, các “ngọn tháp” trắng ngà, đứng thuôn dài vút nhọn như tàu vũ trụ “con thoi”. Kiến trúc tuyệt mỹ ấy có thể làm mềm lòng bất cứ ai được trông thấy. Cầu cổ từng bị phát xít Đức mông muội phá đi mất hai nhịp, khiến cư dân hai bờ sông bị cô lập với nhau. Sau chiến tranh, mãi năm 1947, cư dân Heidelberg mới quyên góp tiền, xây lại các nhịp cầu y như cũ.

Một thành phố, có một di sản cầu cổ như thế này đã là có sức mời gọi khám phá lắm rồi. Nhưng, lịch sử đã vô tình hay hữu ý ban cho Heidelberg hệ thống di sản cổ chi chít kế tiếp nhau. 

Nhiều sách báo đã viết, bao đời thi hào, văn hào, nhạc sỹ và họa sỹ của nước Đức đã đắm say với Heidelberg - không gian cổ kính và sau này còn hoang phế rát đá sa thạch đỏ hồng hổng hoác cả một đường chân trời như thế. Các tác phẩm nổi tiếng viết về và viết từ Heidelberg rất nhiều, trong đó nhiều người thích bài hát “Đánh mất trái tim ở Heidelberg”. 

Con đường Triết gia Philosophenweg không thể cổ kính hơn, với lớp rêu phủ xanh um huyền hoặc; Đại học Heidelberg có lịch sử lâu đời nhất nước Đức. Quảng trường Kornmarkt, Nhà thờ Thánh Linh Heiliggeistkirche, Viện Bảo tàng Kurpfalz, Thư viện công cộng cổ kính nhất còn tồn tại ở Đức. 

Và cuối cùng là Nhà tù Sinh viên. Nhà tù đặc biệt này được giới trẻ tham quan rất nhiều. Nghe nói, đây là khu hà khắc trừng trị các sinh viên cứng đầu ở trường đại học cổ nhất nước Đức. Ngôi nhà ba tầng trong khu phố cổ, treo biển “Nhà tù Sinh viên” bằng tiếng Anh và tiếng Đức hẳn hoi. 

Không gian rờn rợn, các hình vẽ xanh đỏ quái dị, các dòng chữ chi chít phủ kín cầu thang và các bức tường cứ như lời tuyệt mệnh trong một khu Đức Quốc xã thảm sát người Do Thái lấy mỡ lau súng đạn vậy. Lại thêm quy định không cho lên tham quan và chụp ảnh nên “di tích” càng thêm kỳ bí. Có lẽ, đó là một cái võ làm du lịch tinh vi đấy.

Nhiều tài liệu khoa học đáng tin cậy gần đây đã giúp lý giải vì sao không gian cổ kính của Heidelberg lại hớp hồn người ta nhanh đến vậy. Không chỉ là những kiến trúc nhìn thấy được, chụp ảnh diễn tả được, mà không gian êm đềm lãng mạn của nơi này còn được hình thành do ngàn vạn yếu tố khác nữa. 

Năm 1907, giới khoa học sửng sốt khi phát hiện một hộp sọ cổ ở gần Heidelberg, có niên đại từ 600 nghìn đến 200 nghìn năm. Người ta gọi đó là Heidelberg Man, người cổ vùng Heidelberg. Thành phố cổ được bảo tồn gần như nguyên vẹn, xa xôi tít ngoài rìa kia, mới có chung cư, nhà tân kỳ. Họ công phu bảo bọc các giá trị xưa cũ, bởi bước đi kiêu hãnh, sự tạo tác tài danh của cha anh họ còn hằn in trên vạn vật. 

Đỗ Doãn Hoàng/CAND


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Công tác chuẩn bị lễ hội truyền thống Đền Mai An Tiêm

Công tác chuẩn bị lễ hội truyền thống Đền Mai An Tiêm

18:02 , 18/04/2024

Từ 19/4 - 20/4, (tức là ngày 11 và 12/3 năm Giáp Thìn), tại Khu di tích Đền thờ Mai An Tiêm, xã Nga Phú, huyện Nga Sơn sẽ diễn ra Lễ hội Mai An Tiêm năm 2024. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội đã được huyện Nga Sơn khẩn trương hoàn tất.

Công bố mẫu biểu trưng tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Công bố mẫu biểu trưng tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

16:00 , 18/04/2024

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định phê duyệt mẫu biểu trưng (logo) sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Thanh Hoá: Nhiều điểm du lịch đạt tối đa công suất trong dịp lễ 30/4 - 1/5

Thanh Hoá: Nhiều điểm du lịch đạt tối đa công suất trong dịp lễ 30/4 - 1/5

19:53 , 17/04/2024

Chỉ còn gần 2 tuần nữa là sẽ đến kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, kéo dài 5 ngày. Đây được xem là “thời điểm vàng” để các địa phương, các khu, điểm du lịch, và doanh nghiệp lữ hành khởi động mùa du lịch hè 2024. Và tín hiệu đáng mừng đó là đến thời điểm này, nhiều khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã đạt 80 - 90% công suất, thậm chí có nơi đã đạt 100% công suất phục vụ.

Phê duyệt mẫu biểu trưng (logo) sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phê duyệt mẫu biểu trưng (logo) sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

16:29 , 17/04/2024

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 1005/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt mẫu biểu trưng (logo) sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Quý I năm 2024 huyện Lang Chánh đón 36.000 lượt khách du lịch

Quý I năm 2024 huyện Lang Chánh đón 36.000 lượt khách du lịch

16:08 , 17/04/2024

Quý I năm 2024, huyện Lang Chánh đón 36.000 lượt khách du lịch. Để đạt được kết quả này, ngay từ đầu năm, huyện đã triển khai nhiều giải pháp kích cầu, xúc tiến quảng bá, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, đặc biệt là thay đổi nhận thức của người dân trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ du khách.

Khảo sát mô hình du lịch cộng đồng bản Ven

Khảo sát mô hình du lịch cộng đồng bản Ven

14:04 , 17/04/2024

Chiều ngày 16/4, trong khuôn khổ các hoạt động bên lề Hội nghị liên kết phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng, đoàn công tác tỉnh Thanh Hóa đã đi khảo sát mô hình du lịch cộng đồng bản Ven, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa.

Việt Nam có 3 điểm đến vào top 100 thành phố đi bộ hàng đầu thế giới

Việt Nam có 3 điểm đến vào top 100 thành phố đi bộ hàng đầu thế giới

09:59 , 17/04/2024

Theo đánh giá mới nhất của GuruWalk, chuyên trang khảo sát du lịch có trụ sở tại Anh, Việt Nam có 3 điểm đến vào top 100 thành phố tốt nhất thế giới để đi bộ.

Lễ phát động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Lễ phát động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

18:07 , 16/04/2024

Sáng 16/4, tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Nông Cống, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân huyện Nông Cống tổ chức Lễ phát động Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024 với chủ đề "Sách hay cần bạn đọc".

Huế nằm trong top 8 điểm du lịch tiết kiệm nhất châu Á

Huế nằm trong top 8 điểm du lịch tiết kiệm nhất châu Á

06:45 , 16/04/2024

Mới đây, nền tảng du lịch trực tuyến Agoda vừa công bố 8 điểm đến có giá phòng trung bình thấp nhất, trong đó Huế của Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3.

Sôi nổi các hoạt động tại Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2024

Sôi nổi các hoạt động tại Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2024

20:09 , 15/04/2024

Trong những ngày này, tại Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Lê Hoàn, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá đang diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa trong khuôn khổ Lễ hội đền thờ Lê Hoàn và Tuần Văn hóa - Du lịch - Ẩm thực huyện Thọ Xuân năm 2024. Ước tính mỗi ngày có hàng nghìn người dân và du khách đến dâng hương, tham dự các hoạt động của lễ hội.