Longform
img

Có một làng biển xứ Thanh nhỏ bé với mật độ cư dân sinh sống đông nhất cả nước. Từ bao đời nay, người dân nơi đây vẫn chủ yếu nương tựa vào biển, kiên trì bám biển để mưu sinh. Và đó chính là làng biển Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa!

Làng biển Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa chỉ rộng vỏn vẹn 0,46km2, nhưng dân số lên tới trên 19.000 người. Tuyến đường chính qua trung tâm xã Ngư Lộc luôn đông đúc người qua lại với đủ các mặt hàng được bày bán… Hòa mình vào dòng người đang tất bật cho buổi chợ sớm, nhóm phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thanh Hóa không khỏi phấn khích trước không khí đông vui, nhộn nhịp và cả những nụ cười hồn hậu, thân thiện, mến khách của người dân làng biển.

Một ngày ở làng biển Ngư Lộc- Ảnh 1.

Thời kì phong kiến, ngôi làng nhỏ này được biết đến với tên gọi Làng Diêm Phố, một làng ngư nghiệp điển hình của tỉnh Thanh Hóa, với sự đa dạng của các phương thức đánh bắt và chế biến hải sản, cũng như truyền thống văn hóa đặc sắc. Bởi vậy, đến với Ngư Lộc, hải sản là điều có thể dễ dàng bắt gặp ở khắp mọi nơi: từ trong nhà, ra ngoài ngõ, trong các chợ… Từ đồ tươi vừa đánh bắt… cho tới các loại cá khô đã được sơ chế…

Một ngày ở làng biển Ngư Lộc- Ảnh 2.

Không chỉ có những con đường nhỏ, đẹp với những nếp nhà san sát nhau, đến với mảnh đất này, bạn còn có cơ hội được "hít hà" những mùi hương vô cùng đặc trưng.

Đầu tiên là mùi thơm ngọt hấp dẫn của những mẹt tôm biển bóc nõn tươi rói, đỏ au. Nghề làm tôm nõn có mặt ở hầu hết các địa phương ven biển, tuy nhiên nhiều người vẫn cho rằng tôm khô ở xã biển Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc là nổi tiếng hơn cả. Bởi, Ngư Lộc là một "mỏ tôm" nổi tiếng của xứ Thanh với sản lượng đánh bắt hàng nghìn tấn mỗi năm. Hàng trăm năm nay, từ việc phơi, sấy khô tôm để dễ bảo quản, ngư dân vùng biển Ngư Lộc đã sáng tạo ra món tôm nõn thơm ngon nức tiếng. Đây là sản phẩm được chế biến ngay từ những con tôm tươi ở biển về trong ngày nên thịt tôm chắc, vị đậm ngọt, rất thơm ngon.

Một ngày ở làng biển Ngư Lộc- Ảnh 3.

Ở Ngư Lộc, không khó để bắt gặp những con ngõ nơi những người dân đang cần mẫn, miệt mài sản xuất và chế biến hải sản để đáp ứng nhu cầu của khách hàng gần xa.

Một ngày ở làng biển Ngư Lộc- Ảnh 4.

Để sản phẩm tôm nõn đạt yêu cầu chất lượng, người làm tôm nõn ở Ngư Lộc cần tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất từ chọn tôm, luộc tôm, bóc vỏ, sấy khô và đóng gói và không coi nhẹ bất kì công đoạn nào. Bởi, chỉ thiếu cẩn trọng trong một khâu nào đó thì mẻ tôm thành phẩm có thể bị hư, mốc hoặc cứng giòn, dễ vỡ nát, bạc màu, dẫn đến giá trị kinh tế sẽ bị giảm...

Tôm nõn Ngư Lộc được người tiêu dùng ưa chuộng bởi chính chất lượng, giá trị dinh dưỡng, màu sắc, mùi vị của sản phẩm. Có thể nói, với cách chế biến độc đáo từ nguồn nguyên liệu tươi sống đánh bắt từ biển cả, tôm nõn khô của làng Diêm Phố xưa mang một hương vị đặc trưng. Đó là sự hòa quyên giữa vị đậm đà, mặn mòi của biển và vị ngọt thơm từ chính bàn tay tâm huyết của những con người vẫn đang miệt mài làm ra chúng. Sản phẩm tôm nõn khô Ngư Lộc đã được xây dựng và đạt chứng nhận OCOP 3 sao từ năm 2022, qua đó,giúp nâng tầm thương hiệu và khẳng định chất lượng sản phẩm với đông đảo khách hàng.

Tạm biệt những mẹt tôm nõn thơm ngon, mùi hương tiếp theo bạn có thể khám phá ở Ngư Lộc là gì đây?

Một ngày ở làng biển Ngư Lộc- Ảnh 5.

Nhắc đến đặc sản vùng biển Hậu Lộc là phải nhắc đến mắm tôm, hương vị thơm ngon từ những con moi biển được ủ vùi trong muối hạt, khi được phơi nắng đủ ngày, đủ tháng, mắm sẽ chín và ngả dần sang màu tím sẫm, có mùi nồng nàn đặc trưng. Có nhiều nơi làm mắm tôm, song nhiều người sành ăn cho rằng, mắm tôm Hậu Lộc vẫn ngon và hấp dẫn nhất. Nghề chế biến mắm tôm Hậu Lộc có từ rất lâu đời, ngay khi thành lập làng cá Diêm vào thế kỷ thứ 12, cách đây khoảng 800 năm. Cùng với việc khai thác thủy, hải sản phục vụ nhu cầu sử dụng hằng ngày, người dân biển đã sáng tạo ra các "chế phẩm" từ lộc biển với mục đích ban đầu chỉ là để dành số lượng hải sản dôi dư, dần dà mới phát triển thành nghề như ngày nay.

Một ngày ở làng biển Ngư Lộc- Ảnh 6.

Trực tiếp chứng kiến các công đoạn trong quá trình làm mắm tôm mới thấu hiểu hết sự vất vả, nặng nhọc của nghề. Từ đi biển khai thác đến chế biến... tất cả đều cần đến sức lực, kiên nhẫn và sự dẻo dai. Để sau cùng, sản phẩm đến với mỗi gia đình chính là thứ gia vị đậm đà, đầy tinh tế.

Nếu dùng làm nước chấm, mắm tôm thường được đánh trộn với nước cốt chanh hoặc chút rượu trắng cho đến khi mắm bông lên. Sau đó, tùy khẩu vị mà người ăn có thể nêm thêm bột ngọt, đường, ớt, tỏi.

Một ngày ở làng biển Ngư Lộc- Ảnh 7.

Mắm tôm chấm thường được đi kèm với các món thịt luộc, đậu rán, rau luộc, cà pháo, măng đắng, bánh đúc... đảm bảo ai đã từng một lần nếm qua thì không bao giờ quên được. Các món ăn như giả cầy, canh dấm mẻ hay các loại bún riêu, bún thang... nếu thiếu đi chút hương vị nồng nồng, đậm đà và dậy mùi của mắm tôm, thì cũng thật khó để tròn vị…

Một ngày ở làng biển Ngư Lộc- Ảnh 8.

Một ngày ở làng biển Ngư Lộc với những trải nghiệm thật đáng nhớ với hương vị đậm đà của cá khô, tôm nõn hay các loại mắm… Từ những thức quà của biển cả, người dân Ngư Lộc đã khéo léo chế biến thành những sản phẩm đặc trưng của quê hương, để ai đi xa cũng luôn nhớ về hương thơm của ngôi làng biển, tuy nhỏ bé nhưng chưa bao giờ thôi nhộn nhịp… Bởi với họ, yêu biển, yêu nghề, yêu lao động… cũng chính là tình yêu dành cho quê hương, xứ sở.

Thùy Dung
Hữu Dần
Trần Tùng
Khánh Linh

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận