tin ảnh

Những người “giữ lửa” cho văn hóa vùng cao

Trong hơi thở sôi động của nhịp sống hiện đại, đâu đó khắp các bản vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc. Để những giá trị văn hóa đặc sắc luôn hiện hữu, không thể không kể đến vai trò “giữ lửa” của chị em phụ nữ miền sơn cước. Mỗi người phụ nữ, đặc biệt là những người cao tuổi, ở các bản làng vùng đồng bào dân tộc Thái, vẫn ngày đêm cần mẫn, âm thầm, nỗ lực trao truyền với mong ước bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa cho muôn đời sau...

Hoàng Hân - Xuân Sơn

02/06/2023 14:50

Bà Lương Thị Nhã được biết đến là người "thắp lửa" cho nghề làm rượu cần ở bản Bút, xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa. Với bà Lương Thị Nhã, làm rượu cần là bởi đam mê và tình yêu của người con bản Thái đối với văn hóa truyền thống dân tộc mình, chứ không đơn thuần chỉ vì kế sinh nhai. Theo bà, để làm được rượu cần không khó nhưng để đạt đúng hương vị đặc trưng, đảm bảo đúng tiêu chuẩn chất lượng, thì cần phải có sự kiên trì, cố gắng, đặc biệt là phải thật sự yêu và sống hết lòng với nghề truyền thống của cha ông.

Những người “giữ lửa” cho văn hóa vùng cao - Ảnh 2.

Năm 12 tuổi, bà được kế thừa công thức và kinh nghiệm làm rượu cần truyền thống từ mẹ. Ban đầu, bà chỉ nấu rượu cần cho những người trong gia đình. Trong lễ cúng lúa mới, hàng xóm đến uống rượu cần của bà thấy ngon nên mỗi khi muốn đãi khách hay trong những dịp lễ tết, họ thường đến nhà bà đặt rượu. Từ đó, bà làm rượu cần số lượng nhiều hơn để phục vụ nhu cầu của người dân quanh vùng. Đặc biệt, từ khi, bản Bút được công nhận là bản du lịch cộng đồng, rượu cần của bà lại càng được du khách gần xa biết đến nhiều hơn.

Không chỉ là người nấu rượu cần ngon, bà Lương Thị Nhã còn là một người dệt thổ cẩm rất giỏi. Nghề dệt vải thổ cẩm là một trong những nét văn hóa có từ lâu đời của dân tộc Thái. Người phụ nữ dân tộc Thái ngay từ lúc còn nhỏ đã được các mẹ, các bà dạy cho cách thêu, dệt. Cứ thế, dệt vải, thêu thổ cẩm trở thành nét văn hóa truyền thống đặc trưng được duy trì qua nhiều thế hệ. Đây cũng được xem là tiêu chí đánh giá sự khéo tay, giỏi giang của người phụ nữ khi đến tuổi dựng vợ, gả chồng.

Những người “giữ lửa” cho văn hóa vùng cao - Ảnh 3.

Ngày nay, do tác động từ nền công nghiệp hóa, nhiều bạn trẻ đã không còn mặn mà và thích mặc những bộ sắc phục truyền thống của dân tộc mình và cũng chẳng còn mấy người biết thêu thùa, may vá... Bởi vậy, bà Lương Thị Nhã luôn trăn trở và mong muốn truyền cảm hứng cho lớp trẻ, để họ thêm yêu thích nghề dệt. Bà luôn sẵn lòng chỉ dạy từng đường kim, mũi chỉ cho những ai muốn học dệt nghề thổ cẩm.

Bà Lương Thị Nhã, Bản Bút, xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa

Cũng là một người con dân tộc Thái ở bản Bút, xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa, từ khi lên 14 chị Phạm Thị Nhị đã giỏi thêu thùa, may vá và có niềm đam mê đặc biệt với văn hóa dân tộc mình. Dù hiện tại, đã trên cương vị là phó chủ tịch UBND xã Nam Xuân nhưng bất cứ khi nào có thời gian chị lại ngồi vào khung dệt. Chị luôn trăn trở và mong muốn, không chỉ các bà các mẹ, mà ngay cả lớp trẻ hôm nay cũng phải biết dệt, để giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của ông cha để lại...

Những người “giữ lửa” cho văn hóa vùng cao - Ảnh 5.

Góp phần làm nên vẻ đẹp say đắm và níu chân du khách khi đến với vùng cao chính là văn hóa, văn nghệ, từ các nhạc cụ truyền thống, đến điệu múa, điệu xòe... Đồng bào dân tộc Thái là một trong những dân tộc thiểu số sở hữu nền văn hóa đa dạng, đặc sắc với nhiều loại nhạc cụ truyền thống độc đáo, trong đó, không thể không nhắc tới khua luống. Đây vốn dĩ là một dụng cụ dùng để giã gạo của người dân khi xưa. Tuy nhiên, trải qua thời gian, trong quá trình lao động sản xuất, bà con đã sáng tạo nó trở thành một loại nhạc cụ. Khi chày được đánh vào lòng máng tạo ra âm thanh rất vui nhộn xua tan mệt mỏi. Vì vậy, dần theo thời gian, khua luống đã trở thành nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cộng đồng.

Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, ở các bản làng vùng cao, bà con đã và đang nỗ lực phát huy vai trò của mỗi cá nhân và tập thể trong kế thừa, phát triển bền vững những giá trị văn hóa tốt đẹp mà bao đời cha ông đã dày công tạo dựng.

Những người “giữ lửa” cho văn hóa vùng cao - Ảnh 7.

Để thắp lửa cho văn hóa Thái ngày càng phát triển và trường tồn đến thế hệ mai sau, hơn ai hết, chính những người như bà Lương Thị Nhã, chị Phạm Thị Nhị đang giữ vai trò là sợi dây kết nối giữa quá khứ với hiện tại, tương lai. Họ đang ngày đêm lặng lẽ góp phần giữ hồn văn hóa của người Thái trong nhịp sống mới đầy hối hả và nhộn nhịp này. Từ đó, nhân lên lòng tự hào, tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Và cứ thế, nhịp cầu văn hóa trên khắp các bản làng vùng cao xứ Thanh sẽ luôn được tiếp nối, trường tồn cùng dòng chảy văn hóa của dân tộc Việt Nam.


Nguồn: Chuyên mục Sắc màu các dân tộc xứ Thanh

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận