990 năm Thanh Hóa – Điểm tựa lịch sử

19:46 - 21/10/2020

(TTV) - Qua 3 cuộc hội thảo khoa học cấp ngành, cấp tỉnh, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà sử học, nhà nghiên cứu hàng đầu trong cả nước, Hội thảo khoa học về "Danh xưng Thanh Hóa" lần thứ 3 được tổ chức vào ngày 23/5/2017 đã có đầy đủ sử liệu, căn cứ khoa học để khẳng định: Năm 1029 là năm xuất hiện sớm nhất Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Sự kiện này không chỉ giúp người dân Thanh Hóa trả lời được câu hỏi "Danh xưng Thanh Hóa có từ bao giờ?" mà còn thêm một lần nữa khẳng định bề dày truyền thống của vùng đất xứ Thanh "địa linh nhân kiệt", anh hùng và cách mạng, làm điểm tựa lịch sử vững chắc để xứ Thanh vươn mình "tỏa sáng cùng non sông, đất nước".

 

Trong phần “Dư địa chí” sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, sử gia Phan Huy Chú viết về địa dư trấn Thanh Hoa: “Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ họp lại, nảy ra nhiều văn nho. Đến những sản vật quý, cũng khác mọi nơi. Bởi vì đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường; vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước...”. Điều này đã được chứng minh qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Thanh Hóa luôn là địa bàn trọng yếu, “phên dậu” của đất nước. Vùng đất “địa linh, nhân kiệt” là nơi khởi nghiệp của nhiều triều đại quân chủ như: Triều Tiền Lê, triều Hồ, triều Lê sơ, Lê Trung hưng và triều Nguyễn, là đất “thang mộc” của các dòng chúa Trịnh, chúa Nguyễn; quê hương của nhiều bậc anh hùng, hào kiệt, chí sĩ, văn nhân nổi tiếng: Bà Triệu, Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi, Lê Văn Hưu, Đào Duy Tư... đã góp phần làm rạng rỡ non sông, đất nước.

Việc xác định năm xuất hiện danh xưng Thanh Hóa có ý nghĩa quan trọng, là mốc son đánh dấu chặng đường phát triển không ngừng của xứ Thanh suốt gần một nghìn năm qua; đồng thời có tác động to lớn đối với sự phát triển của Thanh Hóa trong tương lai. Năm 2017, 2018 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các Kết luận, Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa 17 đã ban hành các Nghị quyết về việc lấy năm 1029 là năm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương và thống nhất lấy ngày 8/5 hằng năm là ngày kỷ niệm Danh xưng Thanh Hóa.

Năm 2019, việc tỉnh tổ chức các hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa như: Triển lãm tư liệu, tài liệu lưu trữ, sách báo, hình ảnh, hiện vật về Thanh Hóa xưa và nay; Cuộc thi tìm hiểu “990 Danh xưng Thanh Hóa” và “Lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa” đã lôi cuốn sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm, hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân trên khắp mọi vùng, miền để các giá trị văn hóa, lịch sử- nhân văn của vùng đất xứ Thanh lan tỏa, thấm sâu vào đời sống xã hội.

Cùng với những bước phát triển mang tính đột phá trên nhiều lĩnh vực, sự kiện kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa đã góp phần khẳng định, nâng cao vị thế của tỉnh Thanh trong giai đoạn hiện nay.

Bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng, lợi thế về vị trí địa lý và sự phát triển đột phá trong thời gian qua là những căn cứ quan trọng để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58 về “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Văn kiện đặc biệt này đã chỉ ra cho Thanh Hóa đường hướng phát triển và đặt ra yêu cầu “Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hoá”. Nhiệm vụ này đòi hỏi tỉnh Thanh Hóa phải quan tâm thực hiện tốt hơn nữa việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống mà cha ông đã gây dựng, trao truyền; khai thác hiệu quả nguồn lực văn hóa, tạo nên sức mạnh nội sinh cho sự phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong phát triển du lịch và “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Thanh Hoá đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh và đất nước”.

Cẩm Tú – Minh Quang

Theo Bản tin Thời sự Tối/TTV