Bác Hồ với quê hương Thanh Hóa

19:54 - 18/05/2020

(TTV)- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn dành cho đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa tình cảm, sự quan tâm đặc biệt. Người đã về thăm Thanh Hóa 4 lần và nhiều lần gửi thư động viên, thăm hỏi, biểu dương những thành tích của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hoá trong kháng chiến, kiến quốc. Tình cảm của Bác đã trở thành nguồn động viên, cổ vũ quan trọng để cán bộ, nhân dân tỉnh Thanh Hóa nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

90 tuổi đời, 73 tuổi Đảng, từng đảm nhiệm nhiều chức vụ trong cấp ủy, chính quyền, điều quan trọng nhất giúp ông Lê Hữu Hinh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vượt qua mọi khó khăn, giữ vững niềm tin vào lý tưởng cách mạng chính là tình cảm và những lời dạy ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Đối với ông, kỷ niệm về 4 lần được gặp Bác Hồ, được Bác tặng huy hiệu…. là những ký ức thiêng liêng không bao giờ quên.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 4 lần về thăm Thanh Hóa: Lần đầu tiên Người về thăm Thanh Hóa là ngày 20/2/1947. Khi đó, bằng tình cảm đặc biệt dành cho tỉnh Thanh Hóa và tầm nhìn chiến lược đối với công cuộc kháng chiến - kiến quốc, Người đã động viên, cổ vũ nhân dân Thanh Hóa tích cực tăng gia sản xuất, tiết kiệm để đóng góp sức người sức của phục vụ kháng chiến. Người còn mong muốn: “Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”.

Mười năm sau, ngày 13/6/1957, nhân dân Thanh Hoá vinh dự được đón Bác về thăm lần thứ hai. Ghi nhận những đóng góp to lớn của nhân dân Thanh Hóa trong kháng chiến chống Pháp, Người khẳng định: “Bây giờ tiếng Việt Nam đi đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó, tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

Lần thứ 3 Bác về thăm Thanh Hóa vào năm 1960. Người đã dự Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ VI, thăm biển Sầm Sơn, kéo lưới cùng ngư dân. Bác căn dặn: “Nếu nơi đây có một hệ thống dịch vụ khách sạn và có phương tiện đưa đón khách nghỉ mát để tới Hòn Mê thì sẽ thu được nhiều của cải từ đây”...

Hơn một năm sau, tháng 12/1961, Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần thứ tư. Bác đã thăm hợp tác xã Nông nghiệp tiên tiến Yên Trường, huyện Yên Định, Hợp tác xã Cơ khí Thành Công - lá cờ đầu của ngành Tiểu thủ công nghiệp miền Bắc, nói chuyện với hơn 40.000 cán bộ và nhân dân tại Sân Vận động tỉnh.... Người căn dặn cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên cần phải thực sự xung phong gương mẫu tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống quan liêu mệnh lệnh, chống lãng phí, tham ô... “Làm được như thế thì Thanh Hoá chắc sẽ trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”.

Người còn nhiều lần gửi thư biểu dương, khen ngợi và tặng huy hiệu cho những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong sản xuất và chiến đấu. Hơn 70 năm qua, đáp lại tình cảm và sự kỳ vọng của Người, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa luôn ra sức thi đua, đóng góp quan trọng cho 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của đất nước, đạt nhiều thành tựu lớn trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.

Ngày nay, với mỗi người con Thanh Hóa, dù có vinh dự từng được gặp Bác, hay lớn lên khi Bác đã đi xa, kỷ niệm những lần Bác về thăm Thanh Hóa, tình cảm và sự quan tâm, kỳ vọng mà Bác dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh luôn hết sức gần gũi, thiêng liêng.

Năm nào cũng vậy, mỗi dịp sinh nhật Bác, Khu văn hóa tưởng niệm Bác Hồ, thành phố Thanh Hóa lại trở thành điểm hẹn đặc biệt của những người con Thanh Hóa. Mọi người đến đây để bày tỏ lòng biết ơn, yêu kính Bác, dâng lên Bác những thành tích trong công tác, học tập...; quan trọng hơn là được gặp lại những kỷ vật thiêng liêng gắn liền với tình cảm, kỷ niệm của Bác với quê hương. Tất cả những điều này sẽ là nguồn lực tinh thần vô giá, nhân lên niềm tin, sức mạnh để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa đoàn kết, phấn đấu xây dựng quê hương sớm trở thành "Tỉnh kiểu mẫu” như mong muốn của Bác Hồ kính yêu.

Theo Thời sự tối 18/5/2020