Bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án và giải ngân vốn đầu tư công

20:15 - 13/05/2022

(TTV) - Chiều 13/5, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì Hội nghị chuyên đề trực tuyến toàn tỉnh về giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, trọng tâm là giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố có các phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố và một số xã phường, thị trấn.

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh.
Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của Thanh Hóa là trên 10.630 tỷ đồng, trong đó vốn trong cân đối ngân sách địa phương là trên 7.100 tỷ đồng, vốn Ngân sách TW là trên 3.500 tỷ đồng. Đến ngày 10/5/2022, UBND tỉnh đã giao 100% kế hoạch chi tiết vốn đầu tư công của năm. Đến nay, đã giải ngân trên 3.300 tỷ đồng, bằng 32% kế hoạch. Ước thực hiện trong 4 tháng, Thanh Hóa đứng thứ 4 trong số 63 tỉnh, thành phố về giải ngân vốn đầu tư công. Có 83 chủ đầu tư được giao kế hoạch vốn đầu tư công do tỉnh quản lý. Trong đó, có 51 chủ đầu tư đã giải ngân đạt từ 30% kế hoạch trở lên; có 10 chủ đầu tư giải ngân đạt từ trên 10% đến dưới 30% kế hoạch; có 8 chủ đầu tư giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn.

Phân theo tiến độ thực hiện các dự án, đến ngày 10/5, có 58 dự án đã giải ngân hết kế hoạch vốn; 119 dự án chưa giải ngân hết kế hoạch vốn, với số vốn chưa giải ngân trên 5.300 tỷ đồng. Có 33 dự án khởi công mới, dự án chuẩn bị đầu tư được giao kế hoạch chi tiết năm 2022 hơn 1.400 tỷ đồng; đến ngày 10/5, mới giải ngân 7,1% kế hoạch vốn. Ngoài ra còn 41 dự án chưa được phê duyệt dự án đầu tư hoặc mới được phê duyệt dự án vào đầu tháng 5/2022.

Những tháng đầu năm, giá vật tư, vật liệu xây dựng biến động theo chiều hướng tăng; bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; một số nhà thầu chưa tập trung thi công; tiến độ chuẩn bị đầu tư của các dự án khởi công mới rất chậm; ,ột số chủ đầu tư còn thiếu cụ thể, quyết liệt, tinh thần trách nhiệm chưa cao trong công tác đôn đốc, chỉ đạo thực hiện và giải ngân vốn của các dự án, chuẩn bị hồ sơ, thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh.

Bên cạnh những khó khăn, hạn chế đã được nêu trong báo cáo, tại hội nghị, đại diện các huyện, thị xã, thành phố, các ban quản lý dự án, các chủ đầu tư cũng giải trình cụ thể về các dự án chậm tiến độ. Trong đó, chủ đầu tư một số dự án khởi công mới cam kết sẽ giải ngân đạt từ 60% kế hoạch vốn trở lên. Một số dự án chưa phê duyệt dự án đầu tư, chủ yếu là dự án trong lĩnh vực văn hóa, phải đáp ứng nhiều khâu theo quy định của của Luật Di sản dẫn đến kéo dài thời gian; một số dự án phải chờ phê duyệt kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất năm 2022 của các địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, các đồng chí: Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trao đổi vụ thể về các ý kiến, đề xuất kiến nghị của các Sở, ngành, đơn vị. Trên cơ sở lĩnh vực chỉ đạo, phụ trách, các Phó Chủ tịch UBND nhấn mạnh: Các dự án trọng điểm, dự án đầu tư công được lựa chọn triển khai trong năm 2022 đều là những dự án phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh phục hồi kinh tế, thích ứng với dịch COVID - 19, do vậy Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố, các Ban Quản lý dự án phải có sự phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo triển khai các dự án; nhất là khâu chuẩn bị dự án đầu tư; kế hoạch thực hiện, phân công, giao nhiệm vụ, kiểm tra, giám sát để các dự án được triển khai đúng tiến độ. Đặc biệt, đối với 41 dự án chưa được phê duyệt, cần phải chỉ đạo linh hoạt trong thực hiện các bước chuẩn bị để khi dự án được phê duyệt có thể triển khai ngay. Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở có nhiều dự án như Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường nhân lực, có giải pháp để đáp ứng yêu cầu thẩm định, phê duyệt các dự án trong thời gian tới.

Kết Luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đánh giá cao nỗ lực của các Sở, ban, ngành, địa phương trong triển khai các dự án đầu tư, để Thanh Hóa tiếp tục giữ vị trí đứng tốp đầu trong các tỉnh, thành cả nước về giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên trong kết quả này, ngoài việc phân bổ kế hoạch vốn sớm, UBND tỉnh đã phải linh hoạt, tạm điều chuyển vốn của một số dự án bị chậm hoặc chưa đủ điều kiện cho dự án khác. Đặc biệt, việc còn tới 41 dự án chưa được phê duyệt dự án đầu tư hoặc mới được phê duyệt là điều rất đáng quan tâm. Trong đó, bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì có cả nguyên nhân chủ quan từ chính các Sở, ban, ngành và các địa phương.  

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu kết luận hội nghị.
Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Những tháng còn lại của năm 2022, Thanh Hóa có nhiều cơ hội thuận lợi song cũng có những khó khăn không thể lường trước, ảnh hưởng đến triển khai các dự án đầu tư. Trong bối cảnh đó, toàn tỉnh phải thực hiện nhiệm vụ giải ngân trên 7000 tỷ đồng. Trong số đó, có dự án quy mô hàng ngàn tỷ đồng, có những dự án chỉ 1 tỷ đồng. Nhưng dù ở quy mô nào, việc giải ngân các dự án đều tác động đến tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, Chủ tịch UBND cấp huyện, Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành liên quan phải sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, nhất là giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ các dự án; yêu cầu đến trước ngày 30/5, phải hoàn thành việc phê duyệt tất cả các dự án đã được phân bổ kế hoạch vốn, đơn vị nào không hoàn thành, sẽ chính thức điều chuyển vốn cho các dự án khác.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương chú ý đến sự chuyên nghiệp, chất lượng của các đơn vị tư vấn, các nhà thầu, yêu cầu các đơn vị này có cam kết về chất lượng và tiến độ công việc; giám sát và xử lý nghiêm các đơn vị không đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch đầu tư phối hợp với các Sở, ngành để tổng hợp, thông báo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và giải phóng mặt bằng của từng đơn vị, địa phương, từng dự án để các cấp ủy nắm tình hình, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện.

Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất nguyên tắc, ngay sau hội nghị này và trong quá trình triển khai dự án, các huyện, thị xã thành phố có văn bản về các vướng mắc, kiến nghị, đề xuất gửi Sở Kế hoạch đầu tư để tổng hợp, cùng với các Sở ngành liên quan trực tiếp trả lời cho các đơn vị, địa phương, báo cáo và tham mưu cho UBND tỉnh biện pháp tháo gỡ  những vấn đề vượt thẩm quyền.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: UBND tỉnh đã có các chỉ đạo, điều hành rất cụ thể về triển khai các dự án và giải ngân vốn đầu tư công, vấn đề còn lại chỉ là tổ chức thực hiện. Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các Sở, ban, ngành, địa phương phải phát huy vai trò, trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện bằng được mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022./.

Phương Thảo – Xuân Trường/Bản tin thời sự tối ngày 13.5