Báo chí cách mạng Việt Nam đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng của dân tộc

20:11 - 16/06/2020

(TTV) - Cách đây 95 năm, ngày 21/6/1925, Báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của dòng báo chí cách mạng Việt Nam. Gần 1 thế kỷ qua, báo chí luôn đồng hành cùng những chặng đường đấu tranh của Đảng ta, nhân dân ta, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội.

 

Từ khi Báo Thanh niên ra đời đến năm 1945 Cách mạng Tháng Tám thành công, ở nước ta có ít nhất 250 ấn phẩm, phần lớn lưu hành bí mật. Trong đó, hai tờ báo có đóng góp quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là “Cờ giải phóng” và “Cứu quốc”. Thời kỳ này, báo chí tập trung tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đường lối cách mạng của Đảng, vạch trần bản chất của chế độ thực dân phong kiến, cổ vũ các tầng lớp nhân dân đoàn kết, đứng lên đấu tranh chống áp bức, bóc lột, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp.

Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, báo chí đã trở thành một “binh chủng” quan trọng trên mặt trận tư tưởng; khẳng định được vai trò và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Hàng trăm nhà báo - chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam.

Bước vào thời kỳ đổi mới, báo chí tiếp tục đóng vai trò là lực lượng chủ lực trong định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Ngày nay, báo chí đã phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước.

Tại Thanh Hóa, các cơ quan báo chí của tỉnh ngày càng trưởng thành về mọi mặt, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị và nhu cầu thông tin, giải trí của các tầng lớp nhân dân. Đội ngũ những người làm báo luôn bám sát cuộc sống, thông tin kịp thời, toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội; tuyên truyền các điển hình tiên tiến; đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực; tích cực tham gia giám sát, phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Ông Hoàng Bá Tường - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa:  Báo chí đã phản ánh những vấn đề, những nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu trên lĩnh vực xây dựng Đảng, phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh. Báo chí cũng đã đi đến những điểm nóng để thông tin kịp thời, chính xác, bám sát chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để nhân dân hiểu sâu sắc, đồng thuận, góp phần làm nên những thắng lợi trên nhiều lĩnh vực.
Ông Hoàng Bá Tường - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa: Báo chí đã phản ánh những vấn đề, những nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu trên lĩnh vực xây dựng Đảng, phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh. Báo chí đã đi đến những điểm nóng để thông tin kịp thời, chính xác, bám sát chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để nhân dân hiểu sâu sắc, đồng thuận, góp phần làm nên những thắng lợi trên nhiều lĩnh vực.

Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá quê hương, đất nước, xu thế hội nhập quốc tế và cơ chế thị trường đã và đang đưa lại cho báo chí cách mạng Việt Nam nhiều cơ hội phát triển; đồng thời cũng đặt ra những khó khăn, thách thức. Thực tế này đòi hỏi đội ngũ những người làm báo phải tiếp tục không ngừng nỗ lực, xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Ðảng, để “Mỗi bài viết, bản tin, hình ảnh đều phải lan tỏa những giá trị tốt đẹp và năng lượng tích cực, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng về một đất nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh”.

Theo Bản tin Thời sự tối/TTV