Bảo tồn chữ viết của đồng bào dân tộc Dao

09:12 - 21/02/2021

(TTV) - Trước thực trạng chữ viết của đồng bào dân tộc Dao có nguy cơ bị mai một, Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các nghệ nhân dân tộc Dao, sưu tầm, biên soạn bộ chữ và Chương trình giảng dạy chữ Nôm Dao. Tháng 3 năm 2015, Chương trình được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê chuẩn và sau đó đã được đưa vào giảng dạy trong cộng đồng người Dao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và nhiều địa phương khác trên cả nước.

Là người con dân tộc Dao ở phố Hạ Sơn, thị trấn Ngọc Lặc, từ nhỏ, ông Phùng Quang Du đã được ông nội và bố truyền dạy chữ Nôm Dao. Đây là “chìa khóa” để ông mở cánh cửa vào kho tàng văn hóa phong phú, đậm bản sắc của dân tộc mình. Tuy nhiên, trong cộng đồng người Dao, số người biết đọc, biết viết chữ Nôm Dao ngày càng ít, nhất là những người trẻ. Trăn trở trước thực trạng này, khi tỉnh có chủ trương bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc Dao, ông đã cùng với các nghệ nhân, phối hợp với Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa sưu tầm, biên soạn thành bộ chữ Nôm Dao.

ông Phùng Quang Du (Bên trái ảnh)
ông Phùng Quang Du (Bên trái ảnh)

Chữ Nôm Dao là hệ thống ký tự chữ Hán được phiên âm ra tiếng Dao.  Trước đây, hệ thống chữ viết này được người Dao sử dụng trong các văn tự. Hiện nay, người Dao vẫn còn lưu giữ được nhiều sách, tài liệu cổ viết bằng chữ Nôm Dao. Năm 2012, chữ Nôm Dao đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bộ chữ Nôm Dao Thanh Hóa được biên soạn gồm 9 tập; cung cấp cho người học những nội dung cơ bản nhất về nhân sinh quan, thế giới quan; phong tục; kinh nghiệm, tập quán sản xuất… của người Dao.

Sau khi được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, từ năm 2016, Hội Dân tộc học và Nhân học Thanh Hóa đã tổ chức dạy chữ Nôm Dao cho giáo viên thuộc 6 tỉnh, thành. Đến nay, Hội đã phối hợp với các huyện: Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Mường Lát mở được 18 lớp cho hơn 600 học viên là đồng bào dân tộc Dao.

Lịch sử phát triển của cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã cho thấy: những dân tộc có ngôn ngữ, chữ viết riêng là dân tộc có nền văn hóa lâu đời. Chính vì vậy, cùng với hệ thống phong tục, tập quán, lễ hội… phong phú, chữ Nôm Dao là di sản vô cùng quý giá của đồng bào dân tộc Dao. Chữ Nôm Dao ngày một hồi sinh sẽ góp phần giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Dao ở Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung.

Cẩm Tú – Tuấn Anh

Theo Bản tin THNM/TTV