Bất động sản nghỉ dưỡng không ít tiềm năng và rủi ro

19:56 - 04/08/2018

Giao dịch phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng sụt giảm mạnh do những vướng mắc pháp lý và việc phân chia lợi nhuận, thực hiện khai thác dự án.

Trong 2 năm trở lại đây, phân khúc bất động sản du lịch tỏ ra nổi trội hơn. Lợi nhuận kinh doanh đầu tư mới với bất động sản du lịch nhiều hơn, cơ hội lớn hơn nên nhà đầu tư có dấu hiệu chuyển hướng.

Mặc dù vậy, sau 6 tháng đầu năm 2018, giao dịch condotel ở phân khúc này đột nhiên sụt giảm mạnh, đặc biệt là trong quý 2 năm nay giao dịch condotel rất ít. Báo cáo tình hình giao dịch bất động sản quý II/2018 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Đà Nẵng không có nguồn cung condotel mới được chào bán trên thị trường và chỉ có khoảng 300 căn condotel được giao dịch thành công trong quý vừa qua.

bat dong san nghi duong tiem nang co nhung cung tiem an rui ro hinh 1
Những dự án condotel được xây dựng vẫn loay hoay tìm cơ sở pháp lý.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Cục phó Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản cho rằng, thị trường nào cũng tuân thủ theo quy luật cung - cầu. Thị trường chậm lại do cần có sự thanh lọc, điều chỉnh. Tuy nhiên, việc thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nở rộ nhanh nhưng lắng xuống cũng rất nhanh là tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư nên cẩn trọng.

“Các nhà đầu tư hiện cũng rất quan tâm tới động thái từ phía cơ quan quản lý. Hiện nay địa phương đã tạm dừng cho đầu tư vào condotel để chờ cơ sở pháp lý” – ông Khởi nói.

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, về chính sách Nhà nước đã có công cụ điều tiết về thuế, về tín dụng, về luật pháp, để tránh tình trạng bong bóng như những năm trước. Trong thời gian tới, cơ chế chính sách và pháp lý cho đầu tư bất động sản du lịch biển sẽ rất rõ ràng. Bộ Xây dựng sẽ sớm trình các quy định để đầu tư vào bất động sản du lịch rõ ràng hơn. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng này vẫn còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.

Cam kết về lợi nhuận cho bất động sản nghỉ dưỡng đang quá cao

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam vấn đề cam kết lợi nhuận cho bất động sản nghỉ dưỡng không phải vấn đề mới, đã được đặt ra. Trong việc phát triển dự án bất động sản nghỉ dưỡng đã có một số chủ đầu tư không thể thực hiện được lời hứa về lợi nhuận cho nhà đầu tư.

“Lợi nhuận hấp dẫn khách hàng, nhưng việc đặt cam kết lợi nhuận quá cao, lên tới 12 – 15% là quá khó khăn. Không phải nơi nào cũng đạt hiệu quả đặt phòng cao. Lợi nhuận của condotel và du lịch biển phụ thuộc từ khách thuê phòng mà đây cũng là phân khúc có sự cạnh tranh cao” – ông Hà cho biết.

Nên đưa ra cảnh báo cho khách hàng, tham gia đầu tư cũng là quyền lợi, đồng thời phải chấp nhận rủi ro kinh doanh, khi lợi nhuận càng nhiều thì rủi ro càng lớn. Hiện nay, một số chủ đầu tư bắt đầu không đi vào hướng cam kết lợi nhuận cao, mà đi sâu vào chất lượng quản lý và chất lượng dự án để thu hút khách hàng. Đây là một trong những phương án hợp lý, ông Hà bổ sung thêm.

Thị trường bất động sản biển đang ngày càng phát triển mạnh hơn, đòi hỏi các nhà phát triển dự án cũng như nhà đầu tư nhỏ lẻ phải có sự chuyên nghiệp hơn. Đầu tư vào một mô hình thế nào, hiệu quả ra sao, không đầu tư theo phong trào như thời gian vừa qua vì khó có kết quả tốt.

Bất động sản nghỉ dưỡng cần “đòn bẩy” từ hạ tầng

Sự sụt giảm đáng kể của bất động sản nghỉ dưỡng thời gian qua khiến cả nhà phát triển dự án và nhà đầu tư cần xem xét lại, tìm ra những chiến lược phù hợp. Các chuyên gia đánh giá thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam đang dần từng bước định hình và trở nên chuyên nghiệp khi tiềm năng còn rất lớn.

 

bat dong san nghi duong tiem nang co nhung cung tiem an rui ro hinh 2
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, một thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tiềm năng để phát triển thì không thể thiếu cơ sở hạ tầng kết nối. Cơ sở hạ tầng có nhiều yếu tố bao gồm hàng không, đường bộ và đường biển; tuy nhiên đường biển chưa được kết nối tốt.

 

“Việc kết nối thông qua đường hàng không là một yếu tố quan trọng để xác định một thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tiềm năng. Đi từ Bắc vào Nam, thị trường Quảng Ninh sắp có sân bay Vân Đồn. Đây sẽ là một cú huých cho bất động sản ở đây. Quảng Ninh hiện đã có một lượng khách quốc tế rất lớn, tuy nhiên chủ yếu đến bằng đường bộ” – bà  Dung nói.

Theo bà Dung các thị trường du lịch nghỉ dưỡng khác là Quy Nhơn, Phú Yên đang bị thiệt thòi vì sân bay hiện nay chưa phải là sân bay quốc tế. Thậm chí, sân bay ở Phú Yên có giờ bay muộn nhất trong ngày là 16h vì đường điện không đủ tiêu chuẩn. Có thể thấy, mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng hai thị trường này vẫn chưa phát triển được.

Với nhiều ưu ái từ thiên nhiên, Quy Nhơn và Phú Yên sẽ phát triển vì hiện đã có quy hoạch phát triển, Phú Yên cũng sẽ mở rộng sân bay kết nối các đường bay, bà Dung đánh giá./.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, lĩnh vực du lịch của Việt Nam thời gian qua liên tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng, từ 30 - 40%/năm. Riêng năm 2017, lượng khách du lịch trong nước đã đạt trên 73 triệu lượt, lượng khách quốc tế đạt 12,9 triệu lượt. Dự báo đến năm 2020, lượng khách trong nước và quốc tế đến Việt Nam sẽ cán mốc 100 triệu lượt. Trong đó, khoảng 20 triệu lượt khách quốc tế, đạt giá trị xuất khẩu du lịch trên 20 tỷ USD.

Cùng với sự tăng trưởng cao ngành du lịch, hàng loạt các dự án khu nghỉ dưỡng, khách sạn, khu vui chơi giải trí lớn, hiện đại đã được đầu tư xây dựng tại các khu vực ven biển.

Phương Hoài/VOV.VN