Bất đồng về thỏa thuận hạt nhân Iran làm gia tăng sự rạn nứt giữa Mỹ và châu Âu

16:05 - 16/05/2018

(TTV) - Tương lai của thỏa thuận hạt nhân Iran hiện như "chỉ mành treo chuông" và liệu thỏa thuận này có được tiếp tục duy trì hay không sẽ phụ thuộc vào khả năng thành công của các cuộc can thiệp vào phút chót của châu Âu với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Bất đồng về thỏa thuận hạt nhân Iran làm gia tăng sự rạn nứt giữa Mỹ và châu Âu, và sự công khai hóa những bất đồng này thậm chí có thể trở thành chuẩn mực mới của quan hệ Mỹ-Âu. Các phương tiện truyền thông Mỹ cho rằng, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran có nghĩa là Tổng thống Trump sẽ đề nghị Quốc hội tái áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran, những biện pháp trừng phạt này gần như chắc chắn sẽ liên lụy đến các công ty làm ăn với Iran và các công ty Đức sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trong năm 2017, xuất khẩu của Đức sang Iran đạt 4,2 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 1/3 so với năm trước. Yếu tố kinh tế chính là lý do quan trọng để các nước EU bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran. Trong khi đó, tổng thống Trump luôn phàn nàn về quan hệ thương mại không công bằng giữa Mỹ và Châu Âu, khiến chính các nước EU cũng không hài lòng. Vì vậy, nếu Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, quan hệ Mỹ-Âu chắc chắn sẽ càng xấu hơn.

Trên lĩnh vực kinh tế, hiện Iran là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ 4 trên thế giới và sở hữu gần 20% tổng trữ lượng khí tự nhiên toàn cầu. Do vậy, các biện pháp trừng phạt mới giáng lên xuất khẩu dầu mỏ của Iran sẽ là một cú sốc lớn với nguồn cung toàn cầu và có thể khiến giá dầu tăng vọt. Giá dầu đã tăng 13% trong năm nay lên mức cao nhất trong ba năm qua, trong khi giá khí đốt Mỹ nhảy vọt lên mức trung bình toàn quốc ở 2,79 USD/gallon.

Tình hình ở Trung Đông sẽ càng trở nên khó lường hơn do thỏa thuận hạt nhân Iran. Bloomberg đưa tin, nếu thỏa thuận hạt nhân Iran sụp đổ và Iran khởi động lại chương trình hạt nhân của mình, nguy cơ đối đầu ở Trung Đông có thể tăng lên. Tình hình ở Syria cũng làm gia tăng khả năng xung đột lan rộng. Bên cạnh đó, Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, trong khi các nước khác vẫn giữ nguyên lập trường của mình cũng có thể gây ra tâm lý "xem thường Mỹ", hậu quả có thể là thảm họa.

Thậm chí Iran đã tính tới một con bài cuối cùng là chiến tranh, người đứng đầu Iran ví nguy cơ của một cuộc chiến tranh thế giới thứ 3 đang ngày càng hiện hữu.  Chắc chắn, đây sẽ là một lựa chọn thảm khốc và nhiều đau thương nhất.

Một trong những lựa chọn mà nhiều nhà chính trị dự đoán là Iran sẽ tiếp tục thỏa thuận với các thành viên còn lại trong nhóm P5+1 bởi tất cả các quốc gia còn lại đều không muốn thỏa thuận này đổ vỡ . Đàm phán thỏa thuận khác hay tiếp tục duy trì thỏa thuận này với Mỹ đều là quyết định cần phải tính toán bởi nếu không Mỹ sẽ dễ bị cô lập và uy tín của Mỹ ở khu vực sẽ bị giảm sút…

Thanh Liên - Ngọc Liên