Bầu cử giữa kỳ khó lay chuyển sự cứng rắn của ông Trump với Trung Quốc

15:08 - 08/11/2018

Kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 6/11 tiếp tục là bằng chứng cho thấy sự chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ, tuy nhiên điều này được cho là không ảnh hưởng tới chính sách cứng rắn của Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc.


Tổng thống Donald Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh năm 2017. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Donald Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh năm 2017. (Ảnh: Reuters)

Mặc dù quyền lực của Tổng thống Trump có thể bị suy yếu do tình trạng chia rẽ trong quốc hội Mỹ, nơi đang muốn đặt ông chủ Nhà Trắng vào tầm kiểm soát chặt chẽ, song giới quan sát ở cả Mỹ và Trung Quốc đều cho rằng kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ có thể không tác động, hoặc tác động rất ít, tới “cuộc đua” quyền lực giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Sự kiện bầu cử diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên.

“Cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ, sự ngờ vực và giận dữ giữa hai nước chủ yếu nằm ở giới lãnh đạo và không phải là mối quan tâm của các cử tri (Mỹ). Dù cho họ thuộc đảng phái nào, hay chủ đề họ bỏ phiếu là gì, nhân tố Trung Quốc có rất ít, thậm chí không tồn tại trong suy tính của họ”, Zha Daojiong, giáo sư về kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, nhận định.

Tương tự các đợt bầu cử giữa kỳ trước đây, các vấn đề liên quan tới chính sách đối ngoại thường “lép vế” hơn so với các vấn đề gây tranh cãi trong nội bộ nước Mỹ như việc làm, chăm sóc sức khỏe hay nhập cư.

“Quan hệ Mỹ - Trung không phải là vấn đề trọng tâm đối với các cử tri. Mặc dù nhiều chuyên gia cho rằng nước Mỹ sẽ không thể tránh khỏi những tác động “đau đớn” từ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, song những người tiêu dùng Mỹ, đặc biệt là nông dân tại các vùng trung tâm, vẫn chưa cảm nhận thấy sự “đau đớn” này. Phần lớn họ vẫn tiếp tục ủng hộ chương trình nghị sự trong nước và chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump”, Zhao Ma, giáo sư về lịch sử và văn hóa Trung Quốc tại Đại học Washington ở St Louis, nhận định.

“Mặc dù một quốc hội chia rẽ có thể cản trở nhiều chương trình nghị sự gây tranh cãi của ông Trump, thậm chí có thể bắt đầu tiến trình luận tội (tổng thống), song nhiều khả năng sẽ không thể đảo ngược mối quan hệ Mỹ - Trung, vì cả hai đảng (Dân chủ và Cộng hòa) tại Washington đều đồng thuận xem Trung Quốc là “cường quốc xét lại”, gây ảnh hưởng tới trật tự kinh tế và chính trị toàn cầu hiện do Mỹ dẫn đầu”, Giáo sư Zhao nói.

Theo kết quả bầu cử giữa kỳ được công bố, đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump đã mất quyền kiểm soát Hạ viện lần đầu tiên trong 8 năm trong khi vẫn duy trì quyền kiểm soát Thượng viện. Giới quan sát cho rằng ông Trump có thể xem kết quả này như một cách để củng cố niềm tin vào các chính sách đối nội và đối ngoại của ông.

Chỉ vài giờ sau khi các điểm bỏ phiếu đóng lại, Tổng thống Trump đã viết trên Twitter rằng cuộc bầu cử giữa kỳ là “thành công vang dội” cho chiến lược “Nước Mỹ là số 1” của ông, mặc dù nhiều người nhận định kết quả bầu cử cho thấy sự thụt lùi của ông chủ Nhà Trắng.

Lập trường không đổi


Ông Trump dự sự kiện vận động bầu cử tại Tennessee hôm 4/11. (Ảnh: AFP)

Ông Trump dự sự kiện vận động bầu cử tại Tennessee hôm 4/11. (Ảnh: AFP)

Theo Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế và là giám đốc viện nghiên cứu Mỹ tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, Tổng thống Trump có thể sẽ tiếp tục duy trì giọng điệu cứng rắn với Trung Quốc về thương mại cũng như các vấn đề ngoại giao và an ninh gây tranh cãi khác.

“Quốc hội không có nhiều vai trò trực tiếp trong chính sách đối ngoại của ông Trump và ông Trump sẽ vẫn tiếp tục sự kiểm soát chặt chẽ của ông ấy. Tôi không nhìn thấy bất kỳ sự thay đổi tích cực nào trước mắt trong chính sách với Trung Quốc của ông Trump”, ông Shi nói.

Orville Schell, cựu chuyên gia Mỹ nghiên cứu về Trung Quốc, cũng đồng ý rằng cuộc bầu cử giữa kỳ không thể tạo ra bất kỳ sự thay đổi nào với chính sách Trung Quốc của Tổng thống Trump. Theo chuyên gia Schell, “rất hiếm khi” lưỡng đảng Mỹ đạt được sự đồng thuận như hiện nay về sự cần thiết của việc phải gây sức ép với sự bành trướng của Bắc Kinh.

“Không còn bất kỳ nhóm nào ở Mỹ muốn phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc nữa”, thay vào đó tất cả đều nói rằng mối quan hệ này đã vượt ra khỏi sự cân bằng, chuyên gia Schell nhận định.

Tại Diễn đàn Kinh tế Mới Bloomberg hôm 7/11, David Rubenstei, đồng sáng lập kiêm chủ tịch hãng đầu tư tư nhân Carlyle Group, đã hỏi các khán giả gồm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, trong đó có cựu cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Trump rằng, liệu có ai trong số họ tin các chính sách của ông Trump sẽ thay đổi sau bầu cử giữa kỳ hay không. Kết quả là không ai giơ tay.

“Tôi không nghĩ tổng thống cho rằng ông ấy đang bị yếu đi”, ông Rubenstei nói, đề cập tới việc đảng Cộng hòa vẫn nắm quyền kiểm soát Thượng viện. “Câu hỏi thực sự mà mọi người nên hỏi đó là đảng Dân chủ sẽ làm gì với quyền lực của họ?”, ông Rubenstei nói thêm.

Tổng thống Trump từng nói với các phóng viên rằng ông muốn duy trì một giọng điệu ôn hòa hơn, do vậy cuộc bầu cử giữa kỳ có thể khiến ông đưa ra một số điều chỉnh với Trung Quốc nhằm tìm ra giải pháp cho những bất ổn hiện thời về thương mại song phương.

Trước khi cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã lan sang các lĩnh vực khác, bao gồm tranh cãi về vấn đề lạm dụng nhân quyền tại Trung Quốc, vấn đề Biển Đông hay cáo buộc Bắc Kinh tìm cách mở rộng ảnh hưởng địa chính trị.

“Nếu ông Trump hy vọng một cuộc tấn công tổng lực sẽ buộc Trung Quốc phải đầu hàng thì chuyện đó sẽ không xảy ra. Sau bầu cử giữa kỳ, chính quyền Trump cần bắt đầu làm rõ những ưu tiên của họ và đưa ra cho Trung Quốc một danh sách các yêu cầu khả thi nhằm tránh xung đột kéo dài”, Giáo sư Zhao Ma nói.

“Cuộc bầu cử giữa kỳ có thể có một số tác động, nhưng về cơ bản sẽ không làm thay đổi sự đối đầu ngày càng tăng giữa hai cường quốc. Cách tốt nhất mà lưỡng đảng (Mỹ) có thể làm là kiểm soát sự cạnh tranh và tìm cách ngăn nó không leo thang thành xung đột toàn diện”, Yuan Peng, chủ tịch Viện Quan hệ Quốc tế Trung Quốc ở Bắc Kinh, nhận định.

Thành Đạt/Dân trí

Theo SCMP