Biến thể Delta khiến tình hình dịch trên thế giới vẫn phức tạp

17:59 - 23/07/2021

Trong 24 giờ qua, thế giới đã ghi nhận trên 193 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có trên 4,15 triệu ca tử vong. Số ca bình phục hoàn toàn đến thời điểm này là gần 176 triệu ca và vẫn còn trên 13,5 triệu ca đang phải điều trị. Khi số ca mắc COVID-19 hàng ngày trên thế giới tăng liên tục mà chủng virus Delta là nguyên nhân chính, các chuyên gia thế giới liên tục cảnh báo về mức độ nguy hiểm của biến thể này.

 

Người dân được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Sao Paulo (Brazil), ngày 1/5/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Sao Paulo (Brazil), ngày 1/5/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ ngày 22/7 cho rằng biến thể Delta là một trong những chủng virus gây bệnh hô hấp lây lan mạnh nhất mà các nhà khoa học từng biết tới. Theo dữ liệu mới, biến thể Delta lây lan mạnh, phần lớn là vì người nhiễm biến thể này có thể có tải lượng virus trong mũi cao gấp 1.000 lần so với nhiễm virus gốc.

Bà Walensky nói: “Biến thể Delta dữ dội hơn và có sức lây lan mạnh hơn các chủng virus lan truyền trước đó. Đây là một trong các virus hô hấp có sức truyền nhiễm nhiều nhất mà chúng tôi được biết đến và tôi từng chứng kiến trong sự nghiệp 20 năm của mình”.

Theo ngành y tế Mỹ, biến thể Delta chiếm tới 83% số ca mắc Covid-19 hiện nay ở Mỹ. Tại các bệnh viện khắp nước Mỹ, 97% ca nhập viện đều chưa tiêm vaccine và 99,5% ca tử vong xảy ra ở người chưa tiêm vaccine. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 43.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Ngày 22/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết đang có kế hoạch mở rộng đối tượng tiêm chủng, theo đó, nước này cân nhắc đưa trẻ dưới 12 tuổi vào diện tiêm vaccine phòng COVID-19 trong khoảng thời gian trước cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 tới.

Biến thể Delta cũng là nguyên nhân khiến tình hình dịch vẫn phức tạp tại châu Âu, nơi có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở mức cao.

Theo thống kê của Liên minh châu Âu (EU), 200 triệu người dân thuộc khối này đã tiêm đủ liều vaccine, chiếm hơn 50% trong tổng số dân số trưởng thành, song vẫn chưa đạt mục tiêu 70% trong mùa Hè này.

Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, một số nước và vùng lãnh thổ ở Châu Âu đã siết chặt các biện pháp kiểm dịch. Theo đó, Pháp đã đề ra những quy định mới, yêu cầu những người tham gia các sự kiện trên 50 người phải có giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine, coi đây như giấy thông hành sức khỏe. Italy ngày 22/7 cũng thông báo hộ chiếu vaccine sẽ là quy định bắt buộc đối với những người muốn vào quán bar, nhà hàng, hồ bơi, trung tâm thể thao, bảo tàng và rạp chiếu phim kể từ ngày 6/8.

Trong khi đó tình hình dịch Covid vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp tại khu vực Đông Nam Á. Tại Indonesia, số ca mắc COVID-19 đã vượt 3 triệu ca kể từ khi nước này ghi nhận trường hợp đầu tiên vào tháng 3 năm ngoái. Nhằm ứng phó với tình trạng lây nhiễm gia tăng mạnh được ghi nhận ở 13 trong tổng số 34 tỉnh, Indonesia đã chính thức ra lệnh cấm nhập cảnh với lao động nước ngoài để phòng chống dịch, áp dụng với cả lao động nước ngoài đến Indonesia trong các dự án chiến lược quốc gia hay đến để đoàn viên gia đình.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ngày 22/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, tác động của COVID-19 lên sức khỏe tâm thần con người sẽ "lâu dài và phức tạp" và cần phải tìm ra giải pháp để đối phó với sự lo lắng và căng thẳng liên quan đến đại dịch. WHO kêu gọi các quốc gia tăng cường những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần nói chung và cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ này của người dân thông qua công nghệ. WHO cũng kêu gọi có các dịch vụ hỗ trợ tâm lý tốt hơn ở các trường phổ thông và đại học, các công sở và những người đang ở tuyến đầu chống dịch.

Theo Thanh Vân/ Bản tin 18h30 ngày 23/7/2021