Bộ trưởng GD&ĐT chỉ đạo công tác tổ chức thi THPT quốc gia 2019

14:53 - 15/05/2019

Người đứng đầu ngành giáo dục đặc biệt lưu ý các vấn đề liên quan đến coi thi; chấm thi; thanh tra, kiểm tra; đảm bảo an ninh trong và ngoài phòng thi, đảm bảo cả thể chất và tinh thần cho thí sinh, cán bộ làm thi; công tác hậu cần trong tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

Hội nghị trực tuyến về thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2019.

Hội nghị trực tuyến về thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2019 được tổ chức ngày 14/5. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị tại điểm cầu tại Hà Nội.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã tổ chức rà soát, đánh giá toàn bộ các khâu của quy trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để thực hiện những điều chỉnh, bổ sung trong tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 theo hướng giữ ổn định về phương thức tổ chức như các năm 2017, 2018, không ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của giáo viên (GV), học sinh (HS) cũng như xã hội; đồng thời, thực hiện một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục triệt để các hạn chế, bất cập đảm bảo tổ chức thi khách quan, an toàn, nghiêm túc. 

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 được tổ chức lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm cơ sở cho tuyển sinh giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp. Kỳ thi có một số điểm mới như sau: Quy định rõ nội dung đề thi năm 2019 nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12; Đề thi tiếp tục theo định hướng đánh giá năng lực người học, tăng cường các câu hỏi mở, câu hỏi có tính ứng dụng để phát huy sáng tạo của học sinh chứ không nặng về ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo các khuôn mẫu có sẵn; đề thi có các câu hỏi ở mức độ cơ bản, đáp ứng mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT và có các câu hỏi có tác dụng phân hóa ở mức độ hợp lý để hỗ trợ công tác tuyển sinh giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp; các câu hỏi được sắp xếp theo độ khó tăng dần giúp thí sinh thuận lợi khi làm bài. 

Để hỗ trợ cho GV, HV trong dạy học và ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi, Bộ GD&ĐT đã sớm xây dựng và công bố bộ đề thi tham khảo (công bố 14 đề thi tham khảo vào ngày 6/12/2018). 

Đánh giá cao những điều chỉnh chặt chẽ cũng như hướng dẫn cụ thể của Bộ GD&ĐT, thông tin từ các địa phương đến nay cho thấy công tác chuẩn cho Kỳ thi THPT quốc gia đang được tích cực triển khai, nhiều công việc đã hoàn thành. Không ít địa phương, ngoài Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh còn thành lập Ban chỉ đạo ở cả cấp quận/huyện để cộng đồng trách nhiệm, tổ chức tốt nhất Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Mai Văn Trinh đã chia sẻ một số vấn đề Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia cấp tỉnh cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, quán triệt tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tăng cường phối hợp trong phân công nhiệm vụ, đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm để thống nhất trong chỉ đạo tổ chức và thanh kiểm tra, giám sát đối với tất cả các khâu trong tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 và công tác tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2019 tại địa phương.

Cùng với đó là chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, đảm bảo tổ chức tốt kỳ thi, từ cơ sở vật chất, tài chính và an ninh, an toàn cho công tác tổ chức thi tại địa phương đến huy động đội ngũ cán bộ, giáo viên có chất lượng, có trách nhiệm cao tham gia công tác coi thi, chấm thi, phúc khảo, đặc biệt chú trọng công tác lựa chọn nhân sự, tập huấn kỹ nghiệp vụ tổ chức thi cho cán bộ, giáo viên tham gia. Xây dựng, triển khai phương án huy động các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tham gia tổ chức thi và phương án dự phòng để giải quyết các tình huống bất thường có thể xảy ra đảm bảo tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, hiệu quả...

Ngoài ra, cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc hoàn thành chương trình và tổ chức ôn tập cho học sinh; tăng cường công tác truyền thông; làm tốt công tác phối hợp với các trường ĐH, CĐ trong chỉ đạo, tổ chức thi.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia tuyệt đối không được chủ quan và phải đặc biệt coi trọng khâu kiểm tra, thanh tra. Ba nhóm việc cũng được Bộ trưởng lưu ý là: nhận diện rất rõ công việc phải làm; phân công đúng người, đúng việc và từng người phải biết trách nhiệm, yêu cầu công việc của mình, từng việc phải có quy trình. 3 nhóm việc trên đều phải tăng cường thanh kiểm tra để phát hiện sơ hở, thiếu sót, từ đó nhanh chóng khắc phục. Bên cạnh đó, lưu ý lựa chọn nhân sự tham gia thi, không chỉ đáp ứng yêu cầu về chuyên môn mà cả phẩm chất đạo đức.

Bộ trưởng cũng đặc biệt lưu ý các vấn đề liên quan đến coi thi; chấm thi; thanh tra, kiểm tra; đảm bảo an ninh trong và ngoài phòng thi, đảm bảo cả thể chất và tinh thần cho thí sinh, cán bộ làm thi; công tác hậu cần. Những việc đó cần rà soát, phân công, phân nhiệm nhịp nhàng, đặc biệt phát huy tinh thần chủ động của địa phương.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp với tinh thần trách nhiệm cao của cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là các Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia cấp tỉnh và trong công tác chuẩn bị, tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ Sư phạm, Trung cấp Sư phạm năm 2019 cùng sự đồng hành, hỗ trợ, giám sát của các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cả nước để tổ chức tốt Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đáp ứng yêu cầu đổi mới thi và tuyển sinh theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Nhật Nam/Báo điện tử Chính phủ