Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Cả thế giới đang phải đối mặt với tin giả, tin xấu

09:04 - 08/11/2019

Sáng 8/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội làm rõ các nhóm vấn đề liên quan đến công tác quản lý báo chí, các trang thông tin điện tử, mạng xã hội và ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng Chính phủ điện tử.

 

8h sáng nay 8/11, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội trong vai trò người đứng đầu ngành Thông tin - Truyền thông. Dưới đây là những vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm, yêu cầu được Bộ trưởng làm rõ.

Trang Thông tin điện tử (TTĐT) vi phạm sẽ bị dừng tên miền

Về công tác quản lý các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, từ cuối năm 2013 đến nay (thời điểm Nghị định 72 có hiệu lực), tổ chức, doanh nghiệp muốn hoạt động thông tin điện tử tổng hợp, hay mạng xã hội đều phải có giấy phép.

Khi hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp hay mạng xã hội, tổ chức, danh nghiệp đều phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật, hoạt động quản lý thông tin, nhân sự, tên miền… Bên cạnh đó, các đơn vị đều phải tuân thủ quyền và trách nhiệm được quy định cụ thể tại Nghị định 72.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hầu hết các trang thông tin điện tử có lượng truy cập lớn chấp hành tương đối tốt các quy định của pháp luật. Tính hết tháng 10/2019, Cục PTTT và TTĐT đã xử phạt 13 vụ với tổng số tiền hơn 248 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là thiết lập mạng xã hội nhưng không có giấy phép; Cung cấp, đăng tải thông tin, hình ảnh sai sự thật; thực hiện không đúng quy định trong giấy phép.

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu tạm dừng cấp phép các trang TTĐT tổng hợp đối với các doanh nghiệp và cơ quan báo chí trên phạm vi toàn quốc. Đối với các trang đã cấp phép, sẽ thực hiện tổng rà soát ngay trong những tháng tới để chấn chỉnh các vi phạm về “báo hóa”, về quảng cáo, về tổng hợp thông tin, về bản quyền nội dung. Nếu phát hiện vi phạm sẽ dừng tên miền kết hợp với xử phạt hành chính, thậm chí rút giấy phép.

Tạm thời không cấp phép mới cơ quan báo chí

Về công tác quản lý báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến nay cả nước có 844 báo, tạp chí in; 24 báo, tạp chí điện tử độc lập. Cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương… Số người làm việc trong lĩnh vực báo chí là 41.600 người (phát thanh, truyền hình 17.600 người; báo in, báo điện tử 24.000 người). Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã cấp 23.402 thẻ nhà báo.

Thời gian qua, trong quá trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Bộ Thông tin và Truyền thông tạm thời không xem xét cấp phép mới cơ quan báo chí. Chỉ cấp phép cho một số cơ quan báo chí đang hoạt đông thực hiện thêm loại hình báo chí, số liệu cơ quan báo chí thay đổi không nhiều.

Về hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến hết tháng 10/2019, đã xử lý 24 trường hợp, với tổng số tiền phạt là 580 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép 3 trường hợp.

Ngoài xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu lãnh đạo một số tạp chí điện tử có nhiều sai phạm hoặc có nhiều phản ánh về biểu hiện sai phạm tham gia giao ban báo chí hàng tuần để Ban và Bộ nhắc nhở, chấn chỉnh.

Kinh phí cho ứng dụng CNTT chưa bảo đảm

Với nhóm vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo kết quả đánh giá Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc năm 2018, Việt Nam xếp vị trí thứ 88/193 quốc gia được đánh giá, đứng thứ 6/11 quốc gia ASEAN. Với kết quả này, Việt Nam tăng 1 bậc so với năm 2016.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử đã đóng góp quan trọng trong cải cách hành chính, rút ngắn thời gian, giảm chi phí giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Nhận thức và quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử của tất cả các cấp ngành ngày càng được nâng cao.

Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ ra một số hạn chế trong phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử tại các cơ quan nhà nước chưa đồng bộ, có nơi còn hình thức, chưa phát triển theo chiều sâu. Việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc còn phụ thuộc nhiều vào giấy tờ, thủ công.

Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế kể trên được Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ rõ là do kinh phí cho ứng dụng công nghệ thông tin chưa được bảo đảm; Một số cơ quan, người đứng đầu chưa trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin; Cán bộ, công chức một số nơi vẫn có thói quen làm việc dựa trên giấy tờ, không tích cực sử dụng các hệ thống thông tin trên môi trường điện tử.

Để khắc phục những tồn tại kể trên, Bộ thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất giải pháp huy động nguồn lực (doanh nghiệp đầu tư, nhà nước thuê dịch vụ; hợp tác công tư…) để triển khai các dự án xây dựng Chính phủ điện tử. Các Bộ ngành, địa phương bố trí đủ ngân sách cho kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử…

Quang Phong/ Dân trí