Bữa sáng giúp tăng miễn dịch

11:02 - 06/12/2018

Bữa ăn sáng đủ chất sẽ giúp đánh thức cơ thể và bộ não, làm tỉnh táo, tăng cường trí nhớ, tăng năng suất làm việc cả ngày.

Bữa sáng giúp tăng miễn dịch - Ảnh 1.

Ăn sáng rất quan trọng đối với sức khỏe - Ảnh: NG.KHÁNH

Các chuyên gia y tế cho rằng nếu nhịn ăn sáng trong khoảng thời gian dài sẽ có những nguy cơ đối với sức khỏe.

Tầm quan trọng của bữa sáng

Buổi sáng là thời gian làm việc và học tập với cường độ cao nhất trong ngày của nhiều người nên không thể thiếu nguồn năng lượng, dưỡng chất từ thực phẩm. Tế bào não đặc biệt nhạy cảm với sự thiếu hụt oxy và các chất dinh dưỡng.

Muốn duy trì tinh thần làm việc được minh mẫn liên tục, não chúng ta đòi hỏi phải được cung cấp ổn định một lượng lớn glucose và bữa sáng sẽ giúp cơ thể bổ sung thêm lượng glucose này - nguồn năng lượng chính của não.

Theo Magazine For Women, bữa sáng cung cấp một lượng các chất dinh dưỡng, canxi và protein cần thiết để bạn vượt qua một ngày làm việc. Hãy chắc chắn rằng bữa ăn sáng của bạn bao gồm carbohydrate, protein và chất xơ.

Nếu nhịn ăn sáng hoặc chỉ ăn qua loa, tình trạng đói có thể gây hại cho việc duy trì chức năng não, dẫn đến kém linh hoạt, không nhanh nhạy và chính xác.

Khi không cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cho cơ thể, dễ bị hạ đường huyết, mệt mỏi, hoa mắt, năng suất lao động kém, dễ bị sai sót trong công việc.

Học sinh, sinh viên nhịn đói đến lớp buổi sáng sẽ học tập kém tập trung, hay quên, dễ buồn ngủ, dễ cáu gắt, có thể bị ngất...

Bữa ăn sáng đủ chất sẽ giúp đánh thức cơ thể, bộ não tỉnh táo, tăng cường trí nhớ và tăng năng suất làm việc cả ngày.

Lợi ích khi ăn sáng đủ

1 Giúp kiểm soát cân nặng

Nếu muốn giảm cân hãy ăn sáng đều đặn. Việc nhịn bữa sáng chỉ làm cho bạn đói hơn trong các bữa ăn sau đó và sẽ thèm những thực phẩm giàu calo hay món ăn vặt để ăn bù lại. Bữa ăn sáng hợp lý sẽ giúp bạn cảm thấy bớt đói hơn trong suốt cả ngày, giảm ăn vặt và giúp kiểm soát tốt việc tăng cân.

Nên ăn đủ vào bữa sáng, bữa trưa và ăn ít vào buổi chiều tối. Sau bữa ăn sáng, cơ thể phải làm việc, học tập nên năng lượng hầu như được tiêu hao hết, không sợ dư thừa.

2 Bảo vệ hệ tiêu hóa, tăng sức đề kháng

Thức ăn vào dạ dày buổi sáng có tác dụng kích thích tiết men tiêu hóa, giúp tiêu hóa tốt hơn. Đối với những người bị viêm loét dạ dày tá tràng, người có dịch vị nhiều axit thì bữa ăn sáng càng quan trọng vì nó giúp trung hòa bớt độ toan của dịch vị, giảm sự khó chịu cho dạ dày.

Buổi sáng cũng là thời điểm mà cơ thể hấp thu dinh dưỡng tốt nhất, giúp tăng chuyển hóa các chất, tăng cường hệ thống miễn dịch.

3 Giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính

Khi ăn một bữa sáng hợp lý, bạn sẽ điều tiết được lượng đường trong máu. Còn khi không ăn sáng, bạn sẽ đói nhanh hơn trong suốt cả ngày, dễ dàng rơi vào tình trạng ăn uống mất kiểm soát.

Đây là một nguyên nhân trực tiếp khiến bị tăng cân nhanh chóng dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh do ăn uống quá độ, dư thừa như tim mạch, đái tháo đường...

Nhiều nghiên cứu cho thấy việc bỏ bữa sáng có thể làm tăng huyết áp và tăng lượng đường trong máu. Những người có bữa ăn sáng hàng ngày thường ít bị các bệnh này.

Bữa ăn sáng có chất lượng với ngũ cốc thô nguyên hạt còn giúp giảm cholesterol trong máu, giảm béo, giảm nguy cơ mắc các loại bệnh tim mạch.

4 Làm cho bộ não sắc nét hơn

Một bữa sáng thịnh soạn và đầy đủ chất sẽ đánh thức cơ thể và bộ não. Tăng năng suất làm việc suốt cả ngày. Nó cũng giúp tăng cường trí nhớ. Do đó bữa ăn sáng là điều cần thiết cho tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp.

Việc đói có thể làm cho bạn thờ ơ, mất tập trung và cáu kỉnh khi phải đối mặt với công việc khó khăn.

5 Giúp tăng cường hệ miễn dịch

Nếu bạn là một người thường xuyên bị cảm lạnh và cúm, thì khả năng là bạn đã bỏ qua quá nhiều bữa sáng. Ăn bữa sáng hợp lý bao gồm thành phần các chất dinh dưỡng với hàm lượng thích hợp làm tăng sự chuyển hóa các chất trong cơ thể, tăng cường hệ thống miễn dịch.

Tiến sĩ James Betts - chuyên gia về dinh dưỡng và sự trao đổi chất thuộc Trường đại học Bath, Anh - cho rằng bữa ăn sáng giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể và đảm bảo năng lượng cho các hoạt động khác.

Một nghiên cứu của ông đã công bố trên tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Mỹ cho thấy ăn sáng có thể khuyến khích những người béo phì tập luyện nhiều hơn. Kết hợp thói quen ăn sáng và luyện tập thể thao giúp con người kiểm soát lượng đường trong máu mỗi ngày.

Một bữa ăn sáng giàu chất xơ và protein sẽ duy trì sự bền vững của cơ và xương, củng cố hệ miễn dịch của cơ thể. Các chất xơ đóng vai trò hạ mỡ máu, điều hòa lượng đường máu, cải thiện nhu động ruột tạo thuận lợi cho quá trình tiêu hóa và tránh táo bón.

6 nhóm thực phẩm cho bữa sáng

BS NGUYỄN QUANG HUY (Bệnh viện Nhân dân 115):

Để cung cấp đủ năng lượng, cần ăn sáng vừa đủ no, đủ các dưỡng chất cần thiết.

Ăn đa dạng thực phẩm với đủ 6 nhóm thực phẩm quan trọng trong bữa sáng, đó là: chất bột đường (cơm, cháo, khoai, xôi, bánh mì, mì, nui, phở, ngũ cốc, yến mạch…), chất đạm (thịt, cá, trứng, tôm tép, đậu đỗ, rong biển…), chất béo (dầu, mỡ, bơ, các loại hạt…), vitamin, khoáng chất (rau, trái cây), sữa hoặc các chế phẩm từ sữa.

Các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá giá trị của bữa ăn sáng chiếm đến 30-40% tổng năng lượng cả ngày, do đó việc cung cấp đầy đủ dưỡng chất trong bữa ăn sáng là điều rất cần thiết.

H.PHƯƠNG

Những nguy cơ khi nhịn ăn sáng

Việc nhịn ăn sáng không chỉ gây mệt mỏi trong ngày mà nếu kéo dài sẽ gây ra nhiều bất lợi cho sức khỏe bao gồm:

* Giảm hiệu quả công việc, thiếu tập trung, dễ gặp tai nạn trong nghề nghiệp

* Suy giảm khả năng miễn dịch

* Dễ mắc các bệnh đường tiêu hóa

* Nguy cơ béo phì

* Da nhanh lão hóa

* Dễ mắc các bệnh mãn tính: đái tháo đường, cao huyết áp, xơ vữa mạch máu...

Một nghiên cứu được khảo sát từ nhiều sinh viên đại học cho thấy việc bỏ ăn sáng có thể làm giảm nạp vào cơ thể 400 calo mỗi ngày, dù cho bữa trưa họ có thể ăn nhiều hơn một chút.

THS.BS TRẦN THỊ HỒNG LOAN (chuyên gia dinh dưỡng cấp cao Nutifood) - HỒNG PHƯƠNG ghi
Tuoitre.vn