Các làng nghề khôi phục sản xuất sau dịch COVID–19

08:07 - 22/05/2020

(TTV) - Từ khi tỉnh Thanh Hóa thiết lập trạng thái bình thường mới sau thời gian giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, các làng nghề trên địa bàn cũng đã tranh thủ cơ hội để khôi phục sản xuất, từng bước ổn định công việc cho người lao động.

 

Hơn một tháng trước, tại khoảng sân này chẳng có nổi chục sản phẩm để phơi mỗi ngày. Bởi thời điểm ấy, toàn bộ làng nghề mây tre đan ở xã Hoằng Thịnh hầu như dừng hoạt động, chỉ còn đan lát nhỏ lẻ trong từng hộ gia đình. Đến nay, các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, hoạt động sản xuất tại làng nghề cũng theo đó từng bước được khôi phục như trước đây:

Xã Hoằng Thịnh có 75% số hộ gắn bó với nghề mây tre đan, trong đó có 2000 lao động làm việc cho Công ty TNHH Quốc Đại đóng trên địa bàn. Do đó, hoạt động của công ty ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất tại làng nghề. Mặc dù đến nay, hoạt động sản xuất cơ bản đã trở lại như bình thường, nhưng đầu ra cho sản phẩm vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Lượng hàng hoá xuất khẩu đi các nước châu Âu mới chỉ bằng khoảng 30 – 40% so với thời gian trước khi có dịch COVID-19. Để ổn định công việc và đảm bảo thu nhập cho người lao động, công ty vẫn phải thu mua sản phẩm rồi lưu kho, chờ cho đến khi hoạt động thông thương trở lại bình thường.

Trước đó, do tình hình dịch bệnh phức tạp, các làng nghề đã có những biện pháp tạm thời để thích nghi như mở rộng kho bãi chứa hàng, cho lao động nghỉ luân phiên, thay đổi đối tượng khách hàng, thị trường tiêu dùng… Do đó, sau khi bước vào trạng thái bình thường mới, các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã có thể nhanh chóng khôi phục sản xuất để vực dậy sau nhiều tháng đình trệ.

Do đầu ra cho sản phẩm của các làng nghề  chủ yếu là thị trường xuất khẩu đi nước ngoài, nên hiện nay vẫn đang gặp nhiều khó khăn vì tình hình dịch bệnh ở các nước trên thế giới vấn đang diễn biến phức tạp. Tình trạng này được dự báo có thể sẽ còn kéo dài đến hết quý 2, đầu quý 3 năm nay, cho đến khi dịch COVID–19 được kiềm chế, đẩy lùi trên phạm vi toàn cầu. Điều mà các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh ở các làng nghề cần trong thời điểm này, đó là nguồn tài chính để duy trì hoạt động sản xuất, chờ đến khi thị trường phục hồi trở lại./.

Theo Bản tin THNM 22/5