Cần có cảnh báo sớm nhằm phòng tránh lũ ống, lũ quét và sạt lở đất

04:30 - 09/07/2018

(TTV) - Vào mùa mưa, nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở các huyện miền núi rất cao. Để hạn chế thiệt hại có thể xảy ra, các cấp, các ngành, các địa phương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp theo phương châm "4 tại chỗ", và tăng cường tuyên truyền để người dân biết, chủ động phòng tránh.

Như Xuân là huyện miền núi có địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi rất nhiều sông, suối và khe rạch có độ dốc cao.

Theo khảo sát của huyện, hiện có tới 10 điểm có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét. Các điểm này chủ yếu nằm ở xã Thanh Quân, Thanh Lâm, Xuân Quỳ và Bình Lương. Để chủ động phòng tránh, huyện đã cắt các tuyến cơ dọc đồi núi để hạn chế sạt lở, xây dựng nhiều điểm tái định cư và đã di dời được 20 hộ ra khỏi vùng nguy hiểm.

Để chủ động ứng phó với các tình huống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất hiện tại nhiều địa phương như Quan Hoá, Như Thanh, Cẩm Thuỷ, Thường Xuân và Ngọc Lặc đã chủ động xây dựng phương án ứng phó từ rất sớm. Tuy nhiên, do nhận thức của một số bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế nên tình trạng chủ quan vẫn còn diễn ra. Nhiều hộ mặc dù đã được tuyên truyền nhưng vẫn cố tình xây dựng nhà sát chân núi, nhiều hộ lấy cớ không có quỹ đất để làm nhà ngay sát bờ sông, suối, làm tăng nguy cơ thiệt hại khi có tình huống thiên tai xảy ra.

Ông Đỗ Phi Hùng (Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quan Hoá) cho biết:  "Sau các đợt mưa lũ từ năm 2017 đến nay xuất hiện nhiều điểm sạt lở và nguy cơ lũ ống, lũ quét tăng cao. Chúng tôi đã thường xuyên cắt cử cán bộ bám sát địa bàn vào mùa mưa lũ năm nay để không chỉ hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân hiểu về hậu quả mưa lũ mà còn kịp thời có hướng xử lý ban đầu cho những tình huống thiên tai. Tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức của bà con chưa cao, vấn đề phòng tránh hiệu quả nhất là phải từ người dân nhưng hiện tại bà con vẫn rất chủ qua "
Ông Đỗ Phi Hùng (Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quan Hoá) cho biết: "Sau các đợt mưa lũ từ năm 2017 đến nay xuất hiện nhiều điểm sạt lở và nguy cơ lũ ống, lũ quét tăng cao. Chúng tôi đã thường xuyên cắt cử cán bộ bám sát địa bàn vào mùa mưa lũ năm nay để không chỉ hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân hiểu về hậu quả mưa lũ mà còn kịp thời có hướng xử lý ban đầu cho những tình huống thiên tai. Tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức của bà con chưa cao, vấn đề phòng tránh hiệu quả nhất là phải từ người dân nhưng hiện tại bà con vẫn rất chủ quan"

Thanh Hoá có 11 huyện miền núi và đều nằm trong vùng có nguy cơ cao về lũ quét, lũ ống. Để giảm thiểu thiệt hại, rất cần các ngành chức năng tổ chức đánh giá, phân vùng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, chú trọng phân vùng tỷ lệ ở từng địa bàn để cập nhật, làm cơ sở chỉ đạo, ứng phó kịp thời, chính xác.

Việc lắp đặt, tăng mật độ các máy quan trắc và cảnh báo lũ sớm tại những khu vực có nguy cơ cao cũng cần được quan tâm đầu tư, xây dựng. Có hoàn thiện được hệ thống này mới có thể cảnh báo sớm, kịp thời, đảm bảo công tác sơ tán được nhanh nhất, hiệu quả nhất. Đối với các địa phương ở vùng biên giới cũng cần có kế hoạch phối hợp với nước bạn Lào, nắm bắt tình hình nước từ thượng nguồn đổ về, để có phương án phòng tránh trong thời gian sớm nhất.

Thanh Hường – Xuân Tuấn