Cần có giải pháp đồng bộ để phát triển tiểu thủ công nghiệp – làng nghề ở huyện Nông Cống

09:00 - 19/08/2019

(TTV) - Thực hiện Nghị quyết 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nông Cống về phát triển Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp, UBND huyện đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, khuyến khích các ngành nghề phát triển và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để các nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển bền vững, cần có sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân.

 

Hiện nay, toàn bộ 29 xã, thị trấn của huyện Nông Cống đã có ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, với gần 1900 cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh, trong đó có 7 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống, nổi tiếng là các làng nghề sản xuất miến gạo, nón lá, mây tre đan, chiếu cói, hương bài... Gần đây, UBND huyện Nông Cống đăng ký thành công nhãn hiệu tập thể “Miến gạo Thăng Long” cho sản phẩm miến gạo, với sự tham gia của 220 hộ tại một số xã trong huyện, mỗi ngày chế biến, tiêu thụ được hơn 16 tấn miến. Nghề tiểu thủ công nghiệp hiện đang tạo việc làm cho hơn 7400 lao động của địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay một số xã của huyện Nông Cống như Công Liêm, Công Bình, Công Chính, Minh Khôi, Tế Nông … còn chưa chủ động trong việc du nhập, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Một số nơi còn để xảy ra tình trạng người dân được đào tạo nghề xong không có việc làm, lãng phí nguồn lao động tại chỗ và ngân sách Nhà nước.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng chủ yếu là do cấp ủy, chính quyền các địa phương chưa quyết liệt thực hiện Nghị quyết 03 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện; chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Do vậy, huyện Nông Cống cần phải có những giải pháp mang tính đồng bộ nhằm duy trì và phát triển những lợi thế ngành nghề truyền thống tại địa phương, thực hiện thành công mục tiêu mỗi năm tạo việc làm mới ổn định cho 3.500 lao động như Nghị quyết 03 của Đảng bộ huyện đề ra./.

Theo Bản tin Thanh Hóa ngày mới 19.8/TTV