Cần nhiều giải pháp cho phát triển ngành mía đường

18:15 - 18/12/2018

(TTV) - Cần phát huy hơn nữa vai trò của cấp ủy, chính quyền, các ngành và doanh nghiệp trong việc thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất ngành mía đường Thanh Hóa. Đây là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Đức Quyền, UVBTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tại Hội nghị Tổng kết mía đường vụ ép 2017-2018; giải pháp thu mua, chế biến vụ ép 2018-2019 và định hướng kế hoạch vụ ép 2019-2020 được tổ chức vào sáng ngày 18/12.

 

Theo báo cáo của Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, vụ ép 2017-2018, vùng mía nguyên liệu toàn tỉnh đạt trên 25,6 nghìn ha, năng suất bình quân gần 60 tấn/1ha. Sản lượng đường đạt trên 149 nghìn tấn. Bình quân doanh thu trong sản xuất mía đường đạt 62,2 triệu đồng/ha, trừ chi phí lợi nhuận của người trồng mía bình quân đạt 20 triệu đồng/ha. Bước vào niên vụ 2018-2019, ngành mía đường gặp nhiều khó khăn do giá đường thế giới giảm, lượng đường tồn kho nhiều, diện tích mía toàn tỉnh giảm hơn 900 ha so với vụ trước. Mặc dù diện tích mía thâm canh tiếp tục được mở rộng với hơn 6.200 ha, năng suất đạt 70 ha trở lên, có nơi đạt 100 tấn/ha, nhưng đây là số rất ít trong tổng diện tích mía toàn tỉnh. Hiện năng suất mía bình quân chung chỉ đạt 60,4 tấn/ha. Theo tính toán với mức giá  từ 750-850 nghìn đồng/1 tấn, trong niên vụ này lợi nhuận của người trồng mía chỉ đạt khoảng 2,3 triệu đến 8,3 triệu đồng/1 ha. Hiện nay, các Nhà máy đường Lam Sơn và Việt - Đài đã triển khai vụ ép 2018-2019, riêng Nhà máy đường Nông Cống dự kiến đến 22/12 sẽ bắt đầu thực hiện.

 

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền yêu cầu các Công ty mía đường phối hợp với các địa phương xây dựng, làm tốt kế hoạch thu mua, chế biến, quản lý tốt vùng nguyên liệu, đảm bảo thu hoạch mía an toàn hiệu quả, tránh tình trạng tồn đọng làm giảm chất lượng  mía nguyên liệu, đồng thời xem xét giá thu mua hợp lý đảm bảo quyền lợi cho người dân. Đối với việc phát trển vùng mía nguyên liệu trong thời gian tới, trên cơ sở dự báo các sản phẩm đường, các Nhà máy cần phối hợp với các địa phương, ngành nông nghiệp xây dựng kế hoạch cho vùng nguyên liệu, thực hiện chuyển đổi một số diện tích cây trồng hiệu quả thấp sang trồng mía thâm canh, đồng thời chuyển đất trồng mía vùng đồi có độ dốc trên 15 độ sang trồng cây lâm nghiệp. Xây dựng và chuyển giao các biện pháp kỹ thuật thâm canh mía cho người dân, chú trọng sử dụng giống mới, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất mía nguyên liệu. Củng cố hình thức tổ chức sản xuất mía theo mô hình cánh đồng lớn, liên kết sản xuất thông qua các doanh nghiệp, hợp tác xã, đồng thời triển khai thực hiện tốt các chính sách về phát triển nông nghiệp nói chung trong đó cây mía, thực hiện được mục tiêu nâng cao hiệu quả cho người trồng mía.

Thanh Tâm - Xuân Trường