Cần tăng cường kiểm soát việc vận chuyển, tiêu thụ mặt hàng thịt lợn

19:52 - 07/12/2019

(TTV) - Cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng cao. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, lượng cung thịt lợn trên thị trường giảm. Đây là nhữnh yếu tố dễ khiến các đối tượng lợi dụng để tiêu thụ sản phẩm thịt lợn kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

 

Từ đầu năm đến nay, Ban chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra, phát hiện, bắt giữ và xử lý 661 vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 1, 3 tỷ đồng. Trong đó, đa phần các vi phạm về thực phẩm là liên quan đến thịt lợn và các sản phẩm từ lợn. Các sản phẩm thịt lợn bị phát hiện, bắt giữ không chỉ là loại không có dấu kiểm dịch mà còn các sản phẩm từ lợn đã hư hỏng nhưng vẫn được vận chuyển, tiêu thụ để “chế biến” bán cho người tiêu dùng.

Để kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển, lưu thông, mua bán, sử dụng những sản phẩm từ lợn kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, Ban chỉ đạo 389 các địa phương đã thành lập các đoàn kiểm tra, kiểm soát giết mổ, cấp giấy xác nhận truy xuất nguồn gốc thịt lợn và đảm bảo an toàn dịch bệnh. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, tổ chức cho các hộ giết mổ, kinh doanh thịt lợn ký cam kết về giết mổ, vận chuyển kinh doanh thịt lợn và các sản phẩm từ lợn có nguồn gốc.

Cuối năm là thời điểm sức tiêu thụ thịt lợn tăng. Vì lợi nhuận nhiều cá nhân sẽ cố tình bất chấp các quy định, cố tình vận chuyển, tiêu thụ thịt lợn và các sản phẩm từ lợn không có nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng

Do đó, bên cạnh vai trò kiểm soát của các ngành chức năng, người tiêu dùng nên lựa chọn sử dụng thịt lợn và sản phẩm từ lợn có kiểm dịch, có nguồn gốc xuất xứ tại những cơ sở kinh doanh có uy tín.

Xuân Thu - Ngọc Vang

Theo Bản tin Thời sự Tối/TTV