Cảnh báo nguy cơ cháy rừng thông ở huyện Tĩnh Gia

10:05 - 10/07/2018

(TTV) - Thanh Hóa đang trong những ngày nắng nóng kỷ lục, cộng với gió phơn tây nam từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm là điều kiện thuận lợi gây cháy rừng. Đặc biệt là tại những rừng thông trồng tập trung, một loại cây có nguy cơ cháy rất cao. Huyện Tĩnh Gia có 2.300 ha rừng thông trồng tập trung, là 1 trong 4 huyện có nguy cơ cháy rừng ở cấp độ cao nhất tỉnh

 

Theo số liệu thống kê huyện Tĩnh Gia có 17.000 ha rừng tự nhiên, trong đó khoảng 2.300 ha là rừng thông thuần loài trồng tập trung, hơn 3.000 ha rừng thông trồng hỗn hợp với các loài cây khác. Vào những ngày nắng nóng cao điểm, nguy cơ cháy ở rừng thông luôn được cảnh báo ở cấp độ 5. Nguyên nhân chính là do cây thông là một loài cây có chất dầu, lâu hoai mục, nhanh khô nỏ. Thêm vào đó một số loài cây thân mền sống bám quanh thân cây thông, mà chủ yếu là cây ràng ràng (theo cách gọi của người dân địa phương) sinh trưởng nhanh, rất dễ khô giòn, dễ bắt lửa. Loài cây thân mềm này, cùng với một số diện tích thông tái sinh có đặc điểm mọc dầy, độ cao thấp, khi cộng với lá thông khô rụng xuống tạo thành một lớp thực bì dày rất dễ bắt lửa và cháy lớn. Vì vậy trong những ngày nắng nóng cao điểm, khi nhiệt độ lên đến 40 đến 42oC, chỉ cần một sơ suất nhỏ của người dân khi sử dụng lửa cũng thể gây ra cháy rừng nghiêm trọng.

Để hạn chế nguy cơ cháy rừng, Hạt kiểm lâm huyện và Ban quản lý rừng phòng hộ Tĩnh Gia đã tập trung nhiều giải pháp làm giảm vật liệu cháy, phát dọn thực bì trên 4,3 ha, tu sửa hệ thống đường băng cản lửa, kết hợp tuần tra, thành lập các tổ đội trực gác, chắn gác tại các xã trọng điểm, ngăn không cho người người có nhiệm vụ vào rừng.

Ông Nguyễn Hữu Thường - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tĩnh Gia: chúng tôi đã tổ chức lực lượng, phối hợp với các hộ nhận khoán rừng phát dọn thực bì, đốt vật liệu cháy trước mùa khô nóng, giảm nguy cơ cháy rừng.

Một khi đã có cháy rừng xảy ra thì hậu quả là vô cùng nghiêm trọng, việc chữa cháy rừng cũng sẽ vô cùng khó khăn, thậm chí trong nhiều trường hợp gần như không thể. Vì vậy việc phòng cháy rừng là nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu. Vấn đề đặt ra là ngoài những công việc của các lực lượng chức năng cần có sự vào cuộc của chính quyền các địa phương có rừng trong chỉ đạo điều hành, trong đó quan trọng nhất là công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng.

Lan Phương – Cao Tùng