Cảnh báo nguy hiểm từ nọc độc rắn hổ lửa

08:41 - 08/04/2021

(TTV) - Mới đây, 1 bé gái 15 tháng tuổi, quê ở tỉnh Tiền Giang đã tử vong sau khi bị rắn hoa cổ đỏ (hay còn gọi là rắn hổ lửa) cắn dẫn đến vết thương chảy máu không ngừng và tử vong. Điều đáng nói là trong quan niệm dân gian, loài rắn này không có nọc độc, trong khi trên thực tế hiện thế giới chưa có huyết thanh kháng lại nọc độc của chúng.

 

Rắn hoa cổ đỏ còn có tên dân gian là rắn cổ trĩ đỏ, rắn nữ hoàng, rắn nước cổ đỏ, rắn cổ bẹt, rắn hổ lửa. Sở dĩ có tên gọi này là bởi đoạn thân trước của rắn có màu đỏ rất đặc trưng. Khác với các loài rắn phổ biến khác như rắn hổ tre, rắn hổ mang chúa chứa nọc độc tại hai răng nanh, loài rắn này có 2 chiếc răng bơm chất độc nằm ở góc sâu của hàm chứ không phải răng nanh như các loài rắn khác. Vì vậy nếu chỉ bị cắn nhẹ, rắn không mở to miệng thì răng chứa nọc độc sẽ không chạm vào người, không gây nguy hiểm. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho lời đồn đại rằng rắn hoa cổ đỏ không có độc, và nuôi làm "thú cưng".

Trong một số trường hợp hiếm gặp, khi nọc độc từ răng nanh phía sau có thể tiếp cận được vết thương hở, hoặc cắn trực tiếp vào da, có thể nhanh chóng gây xuất huyết nội tạng, bao gồm xuất huyết não, cũng như buồn nôn, rối loạn đông máu,... dẫn tới suy hô hấp, thậm chí tử vong. Do đó, người dân cần đặc biệt cảnh giác, hướng dẫn trẻ tránh xa khi thấy loài rắn này. Khi bị cắn, cần bình tĩnh, rửa sạch vết thương và chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu./.

Theo Tuyết Hạnh/Bản tin Thanh Hóa ngày mới 8/4