Cảnh giác với những thông tin thiếu kiểm chứng, sai sự thật về tình hình dịch bệnh COVID - 19

20:31 - 26/08/2021

(TTV)- Ngày 24/8, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng tại xã Tế Nông, huyện Nông Cống. Cũng bắt đầu từ mốc thời gian này, hàng loạt thông tin chưa kiểm chứng, sai sự thật về tình hình dịch được lan truyền trên mạng xã hội, làm hoang mang dư luận và gây áp lực không nhỏ cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch.

Ngay trong tối và đêm ngày 24/8, hầu hết các hội nhóm kín trên facebook, zalo lan truyền mạnh mẽ thông tin: phát hiện đến 24 ca dương tính với SARS-CoV-2 liên quan đến ca mắc COVID-19 tại xã Tế Nông, huyện Nông Cống.

Tuy nhiên, ngay sau đó, thông tin này được khẳng định là sai sự thật, lực lượng Công an huyện Nông Cống cũng đã nhanh chóng điều tra, gọi hỏi răn đe và lập hồ sơ xử lý đối với những cá nhân đã đăng tải thông tin này trên mạng xã hội.

Đến ngày 25/8, người dân lại tiếp tục hoang mang khi thông tin xuất hiện đến 2 F0 tại phường Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Sự thật là trên địa bàn phường chỉ xuất hiện 1 công dân có biểu hiện ho sốt, có lịch sử di chuyển đến xã Tế Nông, huyện Nông Cống và có kết quả test nhanh lần 1 tại Bệnh viện Thanh Hà cho kết quả dương tính, nhưng đã trải qua 2 lần test nhanh và 2 lần test Realtime - PCR sau đó khẳng định kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Thế nhưng, thông tin sai sự thật cũng đã đẩy sự lo sợ của người dân lên đỉnh điểm. Chỉ trong chiều qua, lượng khách mua hàng tại các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn phường đã tăng đột biến vào cùng một thời điểm. UBND phường Thiệu Dương buộc phải cử lực lượng Công an, Dân quân tự vệ đến làm công tác đảm bảo ANTT và tuyên truyền cho người dân.

Theo ngành y tế, để tránh tiếp nhận các thông tin sai sự thật về dịch bệnh, đầu tiên, người dân cần trang bị kiến thức để sàng lọc thông tin, không nhầm lẫn việc “có kết quả test nhanh dương tính” thành “mắc COVID-19” hoặc trở thành F0. Việc xác định 1 ca nghi ngờ có thật sự nhiễm bệnh hay không phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả chạy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp Realtime -PCR do cơ quan y tế chuyên môn thực hiện. Thời gian từ lúc xử lý mẫu, nhập máy và cho kết quả phải mất đến 6h đồng hồ do đây là xét nghiệm rất phức tạp.

Mặc dù đã có đối tượng bị xử lý vì đăng tin sai sự thật, nhưng tỉ lệ thuận với diễn biến căng thẳng của dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm này, vẫn có hàng loạt thông tin giả được đồn đoán trên mạng xã hội như giãn cách thành phố Thanh Hóa hay xuất hiện thêm 20 F0 ở huyện Nông Cống trong sáng nay, ngày 25/8 ... Đáng chú ý, trong đợt bùng phát dịch này, hầu hết các tin tức được đưa ra ở các nhóm kín, không đăng tải công khai như trước và được dẫn nguồn từ “người quen/họ hàng” với cơ quan y tế nên càng tạo tính tin cậy, do đánh trúng tâm lý tò mò, hiếu kỳ, thích thông tin giật gân của đám đông. Sự hỗn loạn thông tin đang tạo ra những áp lực vô hình cho công tác phòng, chống dịch của tỉnh, khi lực lượng chức năng vừa căng mình thần tốc truy vết, đánh giá nguy cơ và siết chặt kiểm soát, vừa phải ứng phó với những hậu quả do tin giả gây ra.  

Kinh nghiệm trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đã cho thấy, cuộc chiến với virus SARS-CoV-2 chỉ có thể dành thắng lợi khi có sự đồng lòng, đoàn kết và đồng hành của người dân với cơ quan chức năng trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Và ngừng chia sẻ tin đồn, không bàn tán những thông tin vô căn cứ cũng là cách hữu hiệu để người dân ủng hộ lực lượng chức năng vững tâm chống dịch, bảo vệ cuộc sống bình yên cho cộng đồng.

Theo Tuyết Hạnh - Linh Sơn/Thời sự tối 26/8/2021