Cấp bách phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò ở các huyện miền núi Thanh Hóa

20:26 - 07/04/2021

(TTV) - Hiện nay dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò đang có dấu hiệu lây lan nhanh và bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là các huyện miền núi. Để ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh, ngày 7/4, tại huyện Ngọc Lặc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị giao ban với các huyện miền núi nhằm tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn.

 

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, từ ngày 3/2/2021 đến nay, trên địa bàn các huyện miền núi Thanh Hóa, dịch bệnh viêm da nổi cục ở đàn trâu bò đã lây lan và bùng phát ở 7 huyện gồm: Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Bá Thước, Như Xuân, Như Thanh, Thạch Thành và Mường Lát, làm 152 con trâu, bò mắc bệnh.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện miền núi Thanh Hóa có tổng đàn trâu bò lớn, chiếm khoảng 60% tổng đàn trâu bò của cả tỉnh; địa bàn rộng, chăn nuôi chủ yếu theo tập quán chăn thả, nên việc kiểm soát dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Công tác tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục cho trâu bò tại các huyện miền núi cũng mới đạt 29,5% diện tiêm. Đặc biệt, tại 6 huyện 30A, tỷ lệ tiêm phòng phòng vắc xin viêm da nổi cục cho trâu bò tại mới đạt trên 11%.

Tại hội nghị, đại diện các huyện miền núi đã tập trung bàn các giải pháp kiểm soát dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng cho đàn trâu bò.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đề nghị các huyện miền núi cần tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch viêm da nổi cục trên trâu bò để kiểm soát dịch bệnh. Giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y cử cán bộ đến 6 huyện 30A để hướng dẫn và giám sát công tác tiêm phòng vắc-xin viêm da nổi cục, nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng. Tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn, đặc biệt là tại các xã vùng sâu, có tập quán chăn thả, thống kê chính xác, giám sát chặt đàn trâu bò để phát hiện sớm, khai báo kịp thời, xử lý dứt điểm khi bệnh mới được phát hiện. Tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng và diệt côn trùng tại khu vực chăn nuôi. Tăng cường quản lý việc vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trên địa bàn, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc nghi mắc bệnh, không rõ nguồn gốc.

Theo Bản tin Thời sự tối/TTV