Cát nhân tạo góp phần tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường

21:07 - 13/11/2018

(TTV) - Sử dụng vật liệu thay thế đang được xem là giải pháp để tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Thời gian qua, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đầu tư máy móc thiết bị hiện đại sản xuất cát nghiền từ đá, góp phần giảm áp lực cạn kiệt nguồn tài nguyên cát và những tác động của việc khai thác cát đối với môi trường.

 

Công ty TNHH thương mại Phú Sơn được giao khai thác mỏ đá xây dựng tại xã Nga An, huyện Nga Sơn. Trước đây, trong quá trình khai thác, một lượng lớn đá vụn thải ra bị bỏ đi, vừa lãng phí tài nguyên, vừa gây ô nhiễm môi trường. Cuối năm 2017, Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất cát nghiền từ đá. Các loại đá 0,5 và đá 1-2 sau khi sàng lọc, phân loại sẽ được đưa vào máy nghiền có hệ thống phun nước rửa sạch để nghiền thành cát nhân tạo. Bột đá lắng lọc từ nước thải phát sinh trong quá trình nghiền cát được dùng sản xuất gạch không nung. Như vậy, tài nguyên khoáng sản đá xây dựng sẽ được tận dụng triệt để. Theo thiết kế, dây chuyền sản xuất của công ty TNHH Phú Sơn có công suất 150 tấn/giờ, mỗi năm đưa ra thị trường khoảng trên 100 nghìn m3 cát nghiền, sản phẩm đã được công bố hợp quy để làm bê tông, vữa xây dựng và là nguyên liệu để sản xuất một số sản phẩm khác, được khách hàng tin dùng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 2 dây chuyền sản xuất cát nghiền công suất 150 tấn/ giờ của Công ty TNHH Phú Sơn, huyện Nga Sơn và Công ty TNHH xây dựng, thương mại Hà Liên, huyện Nông Cống. Ngoài ra còn một số dây chuyền sản xuất nhỏ lẻ. Theo quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, giai đoạn 2017- 2020, tỉnh Thanh Hóa sẽ phát triển cát nghiền từ đá tại các khu vực có sẵn nguồn nguyên liệu để cung cấp cho thị trường, với tổng công suất dự kiến 1,9 triệu m3/ năm.

Các sản phẩm cát nghiền sản xuất trên địa bàn tỉnh đang áp dụng Tiêu chuẩn quốc gia 9205:2012, đủ điều kiện để sử dụng đại trà và được công bố giá. Cát nghiền có ưu điểm là loại bỏ được tạp chất, hạt đều, có khả năng thay thế được cát tự nhiên trong một số lĩnh vực, đặc biệt là trộn bê tông và sản xuất gạch không nung, giá thành lại thấp hơn cát tự nhiên từ 10 – 20 nghìn đồng/m3. Trong bối cảnh trữ lượng cát tự nhiên ngày càng cạn kiệt và việc khai thác cát đang gây tác động tiêu cực đến hệ thống sông, cửa biển, thì việc đầu tư công nghệ sản xuất cát nhân tạo từ đá nghiền được kỳ vọng là giải pháp mang lại giá trị kép, với lợi ích về kinh tế và bảo vệ môi trường.

Lan Anh – Xuân Tuấn