Cây mắc ca cho hiệu quả và cho thu nhập ổn định trên đất Thạch Thành

10:40 - 29/03/2020

(TTV) - Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những năm qua huyện Thạch Thành đã đưa vào trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao, trong đó, có cây mắc ca xuất xứ từ Australia. Loại cây này đã được trồng ở Thạch Thành từ năm 2012 và đến nay vẫn có hiệu quả, cho thu nhập ổn định.

 

Ông Phạm Văn Hồ - Bên trái ảnh
Ông Phạm Văn Hồ - Bên trái ảnh

Ông Phạm Văn Hồ ở thôn 2, xã Thành Vân được biết đến là một trong những người tiên phong trồng cây mắc ca ở huyện Thạch Thành. Từ năm 2012 gia đình ông nhận khoán 1 ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất để tiến hành trồng rừng và các loại cây có giá trị. Được sự giới thiệu của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn về cây mắc ca, khi ông vào thăm huyện Thạch Thành ông Phạm Văn Hồ đã tìm hiểu thông tin về loại cây này qua các phương tiện truyền thông và mạnh dạn đưa vào trồng. Đây là loại cây có thể tận dụng trồng trên đất đồi dốc, năng suất trung bình đạt từ 4 tấn/ha, với giá bán tại vườn 120.000 đồng/kg đã bóc vỏ cho các công ty xuất nhập khẩu ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, gia đình ông Hồ có thu nhập hơn 200 triệu đồng/1 ha sau khi trừ chi phí.

 

Từ hiệu quả bước đầu, đến năm 2014, một số gia đình khác ở huyện Thạch Thành đã mạnh dạn tham gia trồng mắc ca. Dễ chăm sóc, chi phí ít, nếu trồng trên đất bằng phẳng thì cây phát triển rất tốt, ít gặp sâu bệnh. Bên cạnh đó, cây mắc ca có thể cho thu hoạch hơn 60 năm, thân gỗ có thể dùng làm nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ nên cây mắc ca đã được các hộ nông dân tin trồng. Do hiệu quả và tiềm năng của cây mắc ca, từ năm 2012 đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành cũng đã tham gia mở rộng diện tích trồng cây mắc ca lên 100 ha ở các xã: Thành Vân, Thành Mỹ, Thành Sơn... chủ yếu là chuyển đổi từ diện tích đất trồng luồng bị suy thoái, kém hiệu quả.

Khác với nhiều loại nông sản, người nông dân, doanh nghiệp rất khó khăn trong khâu tìm kiếm thị trường tiêu thụ, thì riêng các sản phẩm từ cây mắc ca như mắc ca sấy nứt, mắc ca nhân, cà phê mắc ca… lại rất dễ tiêu thụ. Đây chính là cơ hội để huyện Thạch Thành đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến các sản phẩm từ mắc ca để giữ ổn định diện tích theo đúng chỉ đạo của ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và ổn định đời sống cho các hộ nông dân.

Thanh Hường – Thanh Tùng

Theo Bản tin THNM/TTV