Cha mẹ nên làm gì để giúp con sáng tạo không ngừng

09:44 - 06/05/2019

(TTV) - Mọi trẻ đều tiềm ẩn năng lực sáng tạo, khi trẻ sáng tạo cũng là lúc trẻ giao tiếp, suy nghĩ và điều này rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ sau này.

Sự sáng tạo ngày càng được đánh giá cao trong thế giới hiện đại, rất nhiều bố mẹ mong muốn khơi dậy tính sáng tạo nơi con trẻ. Mọi trẻ đều tiềm ẩn năng lực sáng tạo, khi trẻ sáng tạo cũng là lúc trẻ giao tiếp, suy nghĩ và điều này rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ sau này.

Vậy sáng tạo là gì?

Sáng tạo có thể được định nghĩa theo nhiều cách, nhưng P21 (Tổ chức giáo dục phi lợi nhuận tập hợp các nhà hoạch định chính sách và các nhà giáo dục hàng đầu tại Hoa Kỳ) định nghĩa sáng tạo theo 3 khía cạnh như sau:

i. Tư duy sáng tạo: tạo ý tưởng mới, xây dựng và tinh chỉnh để hoàn thiện hơn nữa ý tưởng ban đầu.

ii. Làm việc với người khác một cách sáng tạo: xây dựng, triển khai và truyền đạt ý tưởng mới cho người khác một cách hiệu quả; cởi mở và đón nhận những quan điểm mới và đa dạng; Xem thất bại như một cơ hội để học hỏi; hiểu rằng sự sáng tạo và đổi mới là một phần của một quá trình dài hạn, có chu kỳ của những thành công nhỏ và những sai lầm thường gặp.

iii. Thực hiện đổi mới: Triển khai những ý tưởng sáng tạo để đưa vào thực tế. Phần này là nội dung quan trọng nhất đòi hỏi trẻ phải không sợ sai và nỗ lực đến cùng để hoàn thiện sản phẩm từ ý tưởng ban đầu.

Sau đây là những bí quyết giúp phát huy miền sáng tạo “vô biên” ở trẻ.

- Tạo cho trẻ sự tự do

Sự sáng tạo giúp trẻ giải quyết vấn đề một cách tự tin. Trí tưởng tượng giúp trẻ tìm ra những giải pháp để giải quyết vấn đề nhanh gọn, hiệu quả và nhất là khi trẻ được tự do, chính điều này giúp trẻ lựa chọn con đường nhanh nhất để đạt mục đích hoặc sáng tạo điều gì đó theo cách riêng, hoàn toàn độc đáo hoặc “lập dị”.

Hãy để trẻ được tự do “thử nghiệm”, sáng tạo theo các cách khác nhau (trong âm nhạc, nghệ thuật, thể thao…). Như khi trẻ muốn vẽ một bức tranh, tốt nhất đừng bảo trẻ phải làm gì, hãy để trẻ tự do qua đó mới thấy được những suy nghĩ, những ý tưởng độc đáo của trẻ.

- Hãy để trẻ được chơi đùa

Trong khi trẻ chơi đùa có thể nảy sinh những ý tưởng mới, sự sáng tạo trong tư duy, trẻ có thể tạo nên những trò chơi, những câu chuyện...Sự sáng tạo không chỉ dừng lại những công việc thủ công mà còn là cách tư duy trong suy nghĩ, cách nhìn nhận thế giới…với sức sáng tạo của trẻ, mọi thứ đều có thể!

- Nên có những lời động viên

Sự sáng tạo là một kỹ năng mà bất cứ ai cũng có thể học hỏi và phát triển. Nếu trong cuộc sống không có sự  sáng tao thì đôi khi nhiều điều cứ thế mà lập lại. Trẻ em cần sự động viên khuyến khích, không nên đánh giá, phân loại hay có những lời phê phán…

- Tạo thời gian thuận lợi cho trẻ

Ở những thời điểm thuận lợi, thích hợp sẽ giúp trẻ phát huy tính sáng tạo. Không nên giới hạn thời gian cho sự sáng tạo của trẻ, mà chỉ nên “đánh thức” ở con trẻ. Điều quan trọng là dựa trên tính tự nguyện của trẻ.

- Giúp trẻ trí tưởng tượng

Khi đọc câu chuyện cho trẻ, bạn có thể ngừng nửa chừng và để trẻ tưởng tượng phần tiếp của câu chuyện? Nên giải quyết vấn đề đó như thế nào? Hãy để trẻ lạc vào thế giới tưởng tượng. Chúng ta có thể làm như bộ phim, tuy nhiên cuối cùng nên có thảo luận giúp con trẻ nhận thức đúng vấn đề! Khuyến khích tất cả các ý tưởng và nên giữ lại các nhận xét ​​tích cực.

- Cho trẻ những cơ hội thử nghiệm

Trong quá trình học tập hay các hoạt động… đôi khi có những sai sót, tuy nhiên cần động viên trẻ hãy cố gắng. Hãy tạo cho trẻ những cơ hội thử nghiệm mà không nên dự báo trước kết quả cho trẻ.

- Tạo tiếng cười nơi con trẻ

Trẻ rất thích được vui đùa, có những tiếng cười trong học tập, cũng như trong vui chơi… Khi trẻ vui thích trong công việc, điều này sẽ tăng tính sáng tạo nơi trẻ, trẻ ít nhút nhát hơn. Không nên có những “giới hạn, cấm đoán” nơi con trẻ và từ đó có thể khám phá được tiềm năng, tính sáng tạo còn ẩn giấu!

- Tạo những cơ hội cho trẻ

Đôi khi chúng ta nhầm tưởng rằng để có tính sáng tạo cần có sự chuẩn bị lâu dài, tuy nhiên nên có những “cơ hội sáng tạo” cho trẻ, ví dụ nên có những cuộc dạo chơi công viên, trong rừng…những khoảnh khắc tuyệt vời đó trẻ có thể tạo nên những bức tranh đẹp, những bài hát hoặc bài văn hay.

- Tăng tính linh hoạt, xoay sở ở trẻ

Trong thực tế đôi khi phải tạo cho trẻ biết cách vận dụng, xoay sở, suy nghĩ để giải quyết vấn đề. Tất cả mọi thứ nằm trong tầm tay nếu trẻ có niềm đam mê sáng tạo!

- Cần chia sẻ các hoạt động với con trẻ

Để tăng tính sáng tạo ở trẻ, các bậc bố mẹ cần có những chia sẻ. Có thể bắt chước và học hỏi từ những gì con trẻ đã làm. Cùng với trẻ tham gia các hoạt động hàng ngày, hàng tuần của gia đình để có thời gian nói chuyện và thảo luận cùng nhau.

Có nhiều ý tưởng để nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo nơi trẻ. Cùng với tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm cao nhất, bạn có thể có những cách hay để dẫn lối giúp trẻ bay cao bay xa hơn nữa vào miền đất sáng tạo.

7 thái độ của phụ huynh

Tất cả các hoạt động để hỗ trợ phát triển sự sáng tạo ở trẻ đã nêu trên sẽ chỉ thực sự có hiệu quả khi bố mẹ có thái độ tích cực đối với hoạt động và kết quả sáng tạo của con.

Thái độ tích cực đó gồm:

1. “Chấp nhận mắc lỗi/ không sợ thất bại” bởi đó là điều kiện cần thiết để thực hiện bất kỳ một ý tưởng sáng tạo nào.

Như với Edison, thay vì dùng từ thất bại, ông đã nói “Tôi không thất bại. Tôi chỉ là đã tìm ra 10.000 cách không hoạt động để sáng chế được bóng đèn”. Và nghiên cứu khoa học cũng chứng minh rằng những đứa trẻ sợ mắc lỗi, sợ thất bại chính là đứa trẻ kém sáng tạo.

2. “Chấp nhận sự bừa bộn”: hầu hết bố mẹ đều thích một không gian sạch sẽ và bị choáng ngợp khi không gian bừa bộn.

Tuy nhiên, khi trẻ em thực hiện đổi mới để triển khai các ý tưởng sáng tạo của mình thì không gian quanh trẻ chắc chắn sẽ rất bừa bộn, bố mẹ hãy bình tĩnh và cho con thời gian để sau khi sáng chế con thu dọn gọn gàng nhé.

3. “Luôn tư duy mở”: trước khi có được một ý tưởng thực sự sáng lạn, trẻ chắc chắn sẽ trải qua hàng ngàn ý tưởng dường như là “không để làm gì cả” tuy nhiên bố mẹ hãy luôn chào đón các ý tưởng mới từ con trẻ để nuôi dưỡng “tính cải cách” trong tư duy của trẻ nhé.

4. Luôn khích lệ, động viên trẻ: Sáng tạo là một hoạt động đòi hỏi sự tập trung và kiên trì rất cao, đặc biệt khi trẻ thực hiện quá trình đổi mới, do đó trẻ cần nhận được sự khích lệ và động viên đúng lúc, đúng cách của bố mẹ để duy trì sự say mê và quyết tâm hoàn thành sản phẩm.

5. Có góc sáng tạo của riêng mình: Khi thấy bố mẹ mình tham gia vào các hoạt động sáng tạo thường xuyên, trẻ em sẽ có nhiều khả năng cũng ham thích và sẵn sàng tham gia vào các hoạt động sáng tạo hơn. Vì vậy, bố mẹ hãy có cho riêng mình một góc sáng tạo nhé.

6. Tôn trọng quá trình sáng tạo của trẻ: Quá trình sáng tạo đòi hỏi thời gian và sự tập trung cao độ, vì vậy bố mẹ hãy thực sự tôn trọng khoảng thời gian này của con bằng cách giữ cho không gian xung quanh yên tĩnh, không làm phiền con bằng những câu hỏi như “Con đang vẽ gì thế”, “Con đang xây cầu đấy à” …

Những câu hỏi tưởng chừng như là đang quan tâm tới con thực ra là yếu tố gây nhiễu quá trình sáng tạo của con, thay vào đó, phụ huynh hãy tự pha một tách cà phê và tận hưởng một khoảnh khắc cho chính mình!

7. Giảm thiểu thời gian sử dụng thiết bị điện tử có màn hình (tivi, điện thoại, máy tính bảng, laptop): Nghiên cứu khoa học cho hay việc thường xuyên ngồi trước màn hình để xem/chơi sẽ ảnh hưởng rõ rệt đến khả năng tập trung, trí nhớ và khả năng giao tiếp không chỉ của trẻ nhỏ mà với tất cả mọi người.

Dương Ngân tổng hợp