Chăn nuôi gia cầm gặp khó khăn khi giá thức ăn tăng cao, giá gia cầm giảm mạnh

19:51 - 05/04/2021

(TTV)- Từ đầu năm đến nay, trên thị trường giá gia cầm có xu hướng giảm mạnh, trong khi đó giá thức ăn lại tăng cao liên tục. Điều này đã làm cho nhiều hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa gặp nhiều khó khăn.

Gia đình anh Nguyễn Văn Nhân, ở thôn Đại Lợi, xã Hà Vinh, huyện Hà Trung đã phát triển và duy trì nghề chăn nuôi vịt trong suốt 10 năm nay. Hiện nay tổng đàn vịt của gia đình anh có khoảng 10 nghìn con, trong đó có 3 nghìn con vịt đẻ và 7 nghìn con vịt thịt. Anh Nhân cho biết: Với giá cám tăng cao như hiện nay, để duy trì đàn vịt, hàng ngày gia đình anh phải mất thêm chi phí từ 2 đến 3 triệu đồng so với thời điểm trước, trong khi đó giá gia cầm lại không tăng khiến gia đình anh gặp nhiều khó khăn.

Xã Hà Vinh, huyện Hà Trung là địa phương có nghề chăn nuôi vịt phát triển mạnh. Cao điểm, toàn xã có tổng đàn vịt lên đến 200 nghìn con. Tuy nhiên, do thời gian gần đây giá vịt đã giảm sâu, trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi lại liên tục tăng khiến cho nghề chăn nuôi vịt trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ chăn nuôi vịt không dám tái đàn hoặc nuôi cầm chừng nên tổng đàn vịt trên địa bàn toàn xã đã giảm mạnh.

Theo các hộ chăn nuôi, từ đầu năm đến nay, giá gà xuống thấp, thương lái chỉ thu mua với giá từ 65.000 - 70.000 đồng/kg thay vì 85.000 - 90.000 đồng/kg như trước đây. Tương tự như vậy giá vịt giảm có thời điểm xuống còn 25.000 - 30.000 đồng/kg. Trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi lại tăng liên tục, hiện nay một bao cám 40kg tăng từ 80 đến 100 nghìn/1 bao.

Hiện nay, tổng đàn gia cầm của tỉnh Thanh Hóa có khoảng 23 triệu con. Nguyên nhân khiến giá gia cầm giảm là do bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát, nhiều hộ chăn nuôi ồ ạt chuyển sang nuôi gia cầm nên tổng đàn tăng mạnh, nguồn cung dư thừa so với nhu cầu thị trường. Cùng với đó là ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Vì vậy, theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, để hạn chế rủi ro trong chăn nuôi, người chăn nuôi gia cầm khi tăng đàn cần xem xét, tính toán nguyên lý cung cầu của thị trường, cân nhắc quy mô đầu tư cho phù hợp, không nên chăn nuôi theo phong trào.

Đồng thời, đổi mới phương thức chăn nuôi, đẩy mạnh xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi; chọn đối tượng cung ứng, tìm đầu ra cho sản phẩm để bảo đảm chăn nuôi gắn liền với thị trường tiêu thụ; thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi để nâng cao chất lượng và giá trị cạnh tranh của sản phẩm.

TheoTiến Dũng – Thanh Văn/Thời sự tối ngày 05/04/2021