Chặt cây sưa lớn giữa phố cổ Hà Nội "vì hiện tượng nghiêng, vẹo"?

15:32 - 17/08/2019

Trước băn khoăn của người dân về việc chặt hạ cây sưa giữa đêm. Cơ quan chức năng cho biết lý do chặt cây là do có nguy cơ gãy đổ.

Liên quan đến việc chặt hạ cây sưa lớn tại phố Thuốc Bắc (Hà Nội) trong đêm 16/8, ông Hà Duy Mạnh - Trưởng Công an phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, do thời gian qua trên địa bàn có mưa to gió lớn nên cây sưa trên phố Thuốc Bắc có hiện tượng nghiêng, vẹo có nguy cơ gãy đổ.
 
Công ty cây xanh tiến hành chặt hạ cây sưa.
Công ty cây xanh tiến hành chặt hạ cây sưa.

"Ngày hôm qua tôi trực chỉ huy đã trực tiếp báo với chỉ huy quận Hoàn Kiếm và báo cho lãnh đạo UBND phường Hàng Bồ, sau đó đồng chí Chủ tịch và Bí thư phường Hàng Bồ đã liên hệ với công ty cây xanh.

Đến đêm 16/8, công ty cây xanh đã xuống tiến hành chặt hạ và có biên bản thu hồi đầy đủ, được chuyển về xử lý theo quy định", ông Mạnh cho hay.

Các bộ phận của cây sưa được đưa về nhà kho của TP Hà Nội.
Các bộ phận của cây sưa được đưa về nhà kho của TP Hà Nội.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cho biết đơn vị nhận được thông tin từ UBND phường Hàng Bồ có cây sưa trên phố Thuốc Bắc bị nghiêng ngả và có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm cho người dân.

"Ngay sau đó chúng tôi có phối hợp làm việc với 4 bên là chính quyền, ban duy tu, công an và UBND phường Hàng Bồ thì thống nhất cách xử lý chứ không phải chúng tôi tự làm việc này. Cây được chuyển về nhà kho của thành phố Hà Nội để xử lý theo chỉ đạo của TP Hà Nội, tuy nhiên khả năng cao sẽ là đấu giá theo quy định" - ông Nguyễn Đức Mạnh thông tin.

Cây sưa lớn trước khi bị chặt hạ.
Cây sưa lớn trước khi bị chặt hạ.

Tuy nhiên theo người dân trên phố Thuốc Bắc (Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) thì cơ quan chức năng có nhiều cách xử lý, đặc biệt có thể quan tâm hơn đến môi trường, cảnh quan và những giá trị mang biểu tượng của người dân.

"Có thể cắt tỉa các cành có nguy cơ gãy đổ sau đó chỉnh phần gốc rồi trồng lại cho đảm bảo chứ không đến nỗi phải chặt hạ toàn bộ như vậy, vì bao nhiêu năm trời chăm sóc mới có 1 cây sưa lớn xanh mát như vậy", một người dân nói.

Lâu nay, sưa được người dân ví như báu vật, “khối vàng lộ thiên” bởi mức giá đắt đỏ mà chúng mang lại. Đặc biệt với loại sưa đỏ, cây 20 năm tuổi trở lên có giá hàng chục tỷ đồng thậm chí đối với những cây cổ thụ có thể được trả giá cả trăm tỷ.

Đơn cử như 2 cây sưa đỏ quý hiếm có giá cả trăm tỷ tại chùa Phụ Chính (Chương Mỹ, Hà Nội), ông Vũ Văn Tuyến - Trưởng thôn Phụ Chính mới đây cho biết thôn Phụ Chính đã gửi văn bản tới Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư Pháp Hà Nội) thống nhất "chốt" về giá bán số gỗ sưa, thời gian diễn ra đấu giá.

Theo ông Tuyến, về mức giá gỗ sưa gần như không thay đổi, cụ thể số rễ cây sưa sẽ được bán với giá sàn (mức thấp nhất) là 6,5 triệu đồng/kg.

Thân cây sưa sẽ được phân thành các loại giá sàn khác nhau theo chất lượng gỗ: loại 32 triệu đồng/kg; loại 28 triệu đồng/kg; loại 22 triệu đồng/1kg; loại 15 triệu đồng/kg.

Dự kiến khoảng 1 tuần nữa, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản sẽ bắt đầu bán hồ sơ mời các cá nhân doanh nghiệp tham gia phiên đấu giá. Đến khoảng đầu tháng 9/2019, sẽ diễn ra buổi đấu giá toàn bộ số gỗ sưa thu được.

Theo quy định về đấu giá thì người tham gia đấu giá sẽ phải đặt cọc tối thiểu từ 1,5 tỷ đồng đến 9,8 tỷ đồng tùy vào nhóm gỗ sưa khi tham gia đấu giá.

Trước đó, sáng 27/1/2019, người dân trong thôn Phụ Chính cùng lực lượng chức năng chặt hạ 2 cây sưa trong chùa Phụ Chính. 2 cây sưa, một cây có chiều cao khoảng trên 10m, đường kính trên 1m, cỡ 2 người ôm, 130 năm tuổi. Một cây khác cũng có chiều cao hơn 10m, đường kính khoảng 80cm, khoảng gần 100 năm tuổi.Người dân thôn Phụ Chính cho biết họ đã có nguyện vọng được bán cây sưa đỏ này từ lâu vì vài năm gần đây cây có hiện tượng bị khô, mục.

Theo Nguyễn Ngân/VOV.VN