Chất lượng các cơ sở lưu trú sau khi xếp hạng sao

09:50 - 16/08/2018

(TTV) - Thanh Hóa hiện có số lượng cơ sở lưu trú xếp thứ 9 cả nước, trong đó có 245 khách sạn được xếp hạng từ 1 đến 5 sao. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố số lượng thì chất lượng của các cơ sở lưu trú sau xếp hạng sao cũng là vấn đề đáng quan tâm.

 

 

Thanh Hóa hiện có số lượng cơ sở lưu trú xếp thứ 9 cả nước, trong đó có 245 khách sạn được xếp hạng từ 1 đến  5 sao 

 

Với 170 cơ sở lưu trú, trong đó có 45 khách sạn được xếp hạng từ 1 đến 5 sao như:  Palm, Phượng Hoàng, Mường Thanh, Central, TP Thanh Hóa là đơn vị có số lượng cơ sở lưu trú lớn thứ 3 trên địa bàn tỉnh, sau huyện Hoằng Hóa và TP Sầm Sơn. Đa số các khách sạn trên địa bàn thành phố khi được đầu tư đều có quy mô và trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, dịch vụ bổ trợ phong phú. Sau khi thẩm định và công nhận sao vẫn tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp theo hướng mở rộng quy mô và chất lượng dịch vụ, xây dựng uy tín, thương hiệu. Nhờ vậy, lượng khách năm sau luôn cao hơn năm trước khoảng 20 - 30%.

Anh Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Khách sạn Phượng Hoàng, TP. Thanh Hóa: Cùng với việc thường xuyên duy tuy bảo dưỡng, thì chúng tôi thường xuyên làm mới và thay đổi dịch vụ, đảm bảo dịch vụ và theo tiêu chuẩn của Tổng cục du lịch đưa ra.
Anh Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Khách sạn Phượng Hoàng, TP. Thanh Hóa: Cùng với việc thường xuyên duy tuy bảo dưỡng, thì chúng tôi thường xuyên làm mới và thay đổi dịch vụ, đảm bảo dịch vụ và theo tiêu chuẩn của Tổng cục du lịch đưa ra.

Thanh Hóa hiện có 760 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 245 khách sạn được xếp hạng từ 1 đến 5 sao và thường tập trung ở các khu du lịch lớn của tỉnh. Tuy nhiên, qua thực tế có những cơ sở lưu trú sau khi được thẩm định và công nhận sao đã không chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ và duy trì loại, hạng, làm ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch Thanh Hóa. Trong đó, hạn chế lớn nhất là các cơ sở này đã buông lỏng quản lý, không duy trì được sự đồng bộ về cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ, không đảm bảo vệ sinh môi trường, nhân viên thiếu chuyên nghiệp trong giao tiếp, ứng xử. Điều này đặc biệt hay xảy ra tại các cơ sở ở những điểm du lịch mang tính mùa vụ.

 

Thực tế cho thấy, việc duy trì, nâng cấp hạng sao không chỉ để đáp ứng tiêu chuẩn của ngành du lịch, mà còn là định hướng kinh doanh bền vững của các cơ sở lưu trú.  

 


Anh Ngọ Văn Hà - Quản lý khách sạn Palm, TP. Thanh Hóa: Tôi nghĩ rằng việc thanh kiểm tra của các đơn vị ngành không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, mà điều này còn giúp chúng tôi nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng để đáp ứng tiêu chuẩn ngành du lịch, và thước đo chính xác nhất chính là sự đánh giá của khách hàng dành cho chúng tôi.

Để kịp thời chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở lư trú không đảm bảo chất lượng, trong 2 năm 2016 và 2017, Ngành văn hóa, thể thao và du lịch Thanh Hóa đã tiến hành thanh, kiểm tra gần 100 cơ sở kinh doanh lưu trú. Ngoài ra, tại các khu, điểm du lịch ngành đã phối hợp cùng các địa phương kiểm tra các điều kiện đón tiếp, phục vụ khách, niêm yết giá, qua đó, tiến hành xử lý 100/500 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền phạt gần 600 triệu đồng. Cùng với việc vào cuộc của ngành chức năng, mỗi cơ sở lưu trú cần chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng khả năng cạnh tranh, góp phần đổi mới hình ảnh du lịch Thanh Hóa theo hướng ngày càng chuyên nghiệp.

Mai Phương – Đăng Tuyển 

https://www.youtube.com/watch?v=mFTs6xQoSbE