Chất vấn ông Lê Tiến Lam, Giám đốc Sở Công thương

21:05 - 11/07/2018

(TTV) - Sáng 11/7, HĐND tỉnh đã chất vấn ông Lê Tiến Lam, Giám đốc Sở Công thương về "Việc quy hoạch và xây dựng các công trình thủy điện trên địa bàn các huyện miền núi còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân, nhất là vùng ven sông, suối; việc bố trí và đầu tư các khu tái định cư chưa phù hợp, tiến độ thực hiện chậm nên đời sống của nhân dân đến khu tái định cư còn gặp nhiều khó khăn".

 

Theo ông Lê Tiến Lam, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 quy hoạch thủy điện do Bộ Công thương phê duyệt gồm: Quy hoạch thủy điện bậc thang sông Mã và quy hoạch thủy điện nhỏ, với 21 dự án, tổng công suất 825 MW. Cụ thể, trên sông Mã có 7 dự án, sông Chu có 4 dự án; sông Lò 3 dự án, sông Luồng 4 dự án; 3 dự án còn lại nằm trên sông Âm, sông Khao, suối Hối. Đến nay, có 6 dự án đã hoàn thành đi vào phát điện,  7 dự án đang thi công, 8 dự án đang ở bước lập hồ sơ dự án đầu tư để trình xem xét chấp thuận. Đánh giá chung của Sở Công Thương thì việc đầu tư các dự thủy điện đã góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước của tỉnh; cắt lũ, giảm lũ trên các sông chính của tỉnh. Tuy nhiên, báo cáo giải trình của Giám đốc Sở Công thương cũng thừa nhận: Việc quy hoạch, xây dựng các công trình thủy điện ở các huyện miền núi, cũng như bố trí tái định cư phục vụ di dân giải phóng mặt bằng các dự án này vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng, và nghiêm trọng hơn là còn tiềm ẩn những yếu tố tác động tiêu cực đến môi trường, an toàn hồ đập, đê điều, nhất là ở vùng hạ du các sông.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Lê Thị Hương, đơn vị bầu cử huyện Thọ Xuân nêu cụ thể một số điểm bất cập, đề nghị Giám đốc Sở Công Thương làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp giải quyết.

Bà Lê Thị Hương - Đại biểu HĐND tỉnh, đơn vị bầu cử huyện Thọ Xuân: Diện tích bị ảnh hưởng sau khi triển khai dự án thường lớn hơn so với khi khảo sát, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống và vấn đề an ninh lương thực của nhân dân, đề nghị cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục.

Bà Lê Thị Hương - Đại biểu HĐND tỉnh, đơn vị bầu cử huyện Thọ Xuân: Diện tích bị ảnh hưởng sau khi triển khai dự án thường lớn hơn so với khi khảo sát, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống và vấn đề an ninh lương thực của nhân dân, đề nghị cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục.

Tuy nhiên, ông Lê Tiến Lam cũng cho rằng: Trong điều kiện giao thương như hiện nay thì vấn đề an ninh lương thực cho đồng bào miền núi không còn đáng lo ngại như trước, mà quan trọng là vấn đề bố trí sinh kế, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp cho người dân tái định cư. Đây là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành liên quan và cả chủ đầu tư. Ông Lê Tiến Lam thừa nhận việc bố khu tái định cư của các dự án thủy điện Trung Sơn, Hồi Xuân, Trung Thành, Bá Thước… Còn nhiều bất cập: Diện tích một số lô đất ở, đất sản xuất nhỏ hơn so với nơi ở cũ, hạ tầng khu tái định cư đầu tư chậm, một số hạng mục công trình bố trí và đầu tư không phù hợp, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan tích cực khắc phục những hạn chế, thiếu sót để sớm ổn định cuộc sống và đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân tại các khu tái định cư.

Ông Lê Tiến Lam - Giám đốc Sở Công Thương: Một phần là do chủ đầu tư khảo sát, lập dự án còn thiếu sót, về phía Sở Công Thương là cơ quan được giao chủ trì thẩm định, phê duyệt cũng làm chưa tốt.

Ông Lê Tiến Lam - Giám đốc Sở Công Thương: Một phần là do chủ đầu tư khảo sát, lập dự án còn thiếu sót, về phía Sở Công Thương là cơ quan được giao chủ trì thẩm định, phê duyệt cũng làm chưa tốt.

Một vấn đề được khá nhiều đại biểu quan tâm, nêu câu hỏi đối với Giám đốc Sở Công Thương, đó là mật độ bố trí các dự án thủy điện như quy hoạch đã được phê duyệt liệu có quá dày đặc, và sẽ tác động như thế nào đến môi trường tự nhiên, an toàn hồ đập, đê điều trên địa bàn tỉnh?

Ông Lê Nhân Đồng - Đại biểu HĐND tỉnh, đơn vị bầu cử huyện Như Xuân: Sạt lở bờ sông hạ du có nhiều nguyên nhân, trong đó có tác động của các dự án thủy điện. Nhưng vẫn tiếp tục bổ sung các dự án mới vào quy hoạch.

Ông Lê Nhân Đồng - Đại biểu HĐND tỉnh, đơn vị bầu cử huyện Như Xuân: Sạt lở bờ sông hạ du có nhiều nguyên nhân, trong đó có tác động của các dự án thủy điện. Nhưng vẫn tiếp tục bổ sung các dự án mới vào quy hoạch.

Lấy ví dụ cụ thể về số nhà máy thủy điện trên địa bàn một số tỉnh có điều kiện địa hình miền núi tương đồng, Giám đốc Sở Công Thương Lê Tiến Lam cho rằng: Mật độ nhà máy thủy điện trên các sông, suối ở khu vực miền núi của tỉnh đã được Bộ Công thương và các bộ ngành liên quan, các chuyên gia thủy điện khảo sát, tính toán kỹ và phù hợp với điều kiện thực tế. Điều quan trọng là phải đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch và chấp hành nghiêm quy định về vận hành để đảm bảo an toàn cho công trình cũng như vùng hạ du. Ông Lê Tiến Lam cũng khẳng định: Hiện nay, ngoài 21 dự án đã được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch, tỉnh chưa xem xét thêm một dự án nào khác.

Ngoài ra, các đại biểu cũng nêu lên một số vấn đề như: Việc đánh giá tác động môi trường của một số dự án thủy điện chưa sát với thực tế; Nhiều tiêu chí về diện tích, công suất, điện lượng… Vượt tiêu chí so với quy định tại Thông tư 43 của Bộ Công thương Quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện; tình trạng dự án thủy điện Bản Mồng đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhưng tác động, làm ngập 1 thôn ở huyện Như Xuân, Thanh Hóa… Những nội dung này, Giám đốc Sở Công Thương xin phép được  tiếp thu, nghiên cứu và trả lời sau.

 

Kết luận nội dung này, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nêu rõ: Thanh Hóa là tỉnh có tiềm năng lớn về thủy điện, và đây là nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Những năm qua, nhiều dự án thủy điện được đầu tư, đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và giảm lũ, cắt lũ trên các sông, suối. Tuy nhiên, nhiều thế hệ cán bộ và nhân dân trong tỉnh vẫn còn băn khoăn về tác động của các dự án thủy điện đối với môi trường và vấn đề đảm bảo an toàn hồ đập, đê điều. Bên cạnh những dự án thủy điện lớn được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thì một số dự án, nhất là những dự án nhỏ vẫn còn nhiều bất cập. Đi liền với đó là vấn đề bố trí tái định cư và đời sống của nhân dân bị ảnh hưởng bởi các dự án. Đây là vấn đề rất quan trọng, cần phải hết sức quan tâm. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo rà soát lại toàn bộ các dự án thủy điện trên địa bàn, nếu dự án nào không đảm bảo các điều kiện theo quy định thì kiên quyết phải dừng; kể cả những dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng nếu cử tri và nhân dân có ý kiến, thấy không đủ điều kiện thì cũng nên rút chủ trương đầu tư. Các ngành chức năng, đặc biệt là Sở Công Thương phải làm tốt công tác thẩm định, phê duyệt dự án. Bên cạnh đó, phải kiểm tra, nắm lại toàn bộ đời sống và điều kiện sản xuất của các hộ dân tái định cư, làm rõ các khó khăn, bất cập để có giải pháp khắc phục, đảm bảo nguyên tắc đời sống của nhân dân tái định cư phải tốt hơn hoặc bằng so với nơi ở cũ. Kết quả rà soát báo cáo Thường trực HĐND tỉnh trước ngày 30/7/2018.

Nhóm PV Thời sự