Chợ truyền thống bắt nhịp chuyển đổi số

Hiện nay, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã áp dụng số hóa trong các giao dịch thanh toán và bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số và mang lại nhiều tiện ích cho cả người bán và người mua.

Đối với bà Lê Thị Hòa, một tiểu thương kinh doanh tại chợ đầu mối rau quả thực phẩm Đông Hương, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành việc làm thường nhật. 50% lượng khách đến với quầy hàng của bà đã sử dụng phương thức thanh toán bằng quét mã QR. Hình thức thanh toán này rất tiện lợi và đang được nhiều khách hàng lựa chọn trong giao dịch. Bà Lê Thị Hòa, tiểu thương chợ đầu mối rau quả thực phẩm Đông Hương, thành phố Thanh Hóa cho biết: "Từ ngày chuyển khoản, chúng tôi thuận lợi hơn rất nhiều, tiền nhỏ nhất không sợ lầm lẫn, thứ 2 tiền vào tiền ra an toàn, thứ 3 thuận lợi cho khách hàng".

Chợ truyền thống bắt nhịp chuyển đổi số- Ảnh 1.

Còn tại chợ thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, gần 80% quầy hàng kinh doanh đã có mã QR để thanh toán. Thậm chí một quầy còn có 2 - 3 mã của các ngân hàng khác nhau. Điều này mang lại nhiều tiện ích như giảm rủi ro tiền giả, tiền rách, dễ dàng quản lý tiền bạc, thanh toán nhanh chóng, tiết kiệm thời gian đối với cả người bán và người mua. Chị Trần Thị Thanh, thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn cho biết: "Mua bán bằng tiền mặt giờ ít dùng, đi chợ chúng tôi thường dùng quét mã QR dù mua ít tiền hay nhiều tiền, chỉ cần mang điện thoại đi là chúng tôi dùng được".

Việc áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ truyền thống không chỉ thuận tiện cho người mua hàng, mà còn hỗ trợ các tiểu thương thuận tiện trong việc thanh toán các khoản chi phí như tiền thuê mặt bằng, thuế, phí vệ sinh, bảo vệ… cho Ban Quản lý chợ.

Chợ truyền thống bắt nhịp chuyển đổi số- Ảnh 2.

Để mô hình triển khai có hiệu quả, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các địa phương đang tập trung tuyên truyền cho Nhân dân về lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt; phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng để hướng dẫn, vận động người dân cài đặt, sử dụng nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt và các nền tảng, dịch vụ khác trên điện thoại thông minh…Ông Lê Ngọc Thắng, Trưởng ban Quản lí chợ đầu mối rau quả thực phẩm Đông Hương, thành phố Thanh Hóa cho biết: "Ban Quản lý chợ đã kết hợp với các ban ngành, để tuyên truyền, vận động hướng dẫn thực hiện mô hình chợ 4.0, hiện nay các hộ tiểu thương đã cơ bản thực hiện…". Ông Đặng Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa cho biết: "Hiện nay, phường đang tập trung chỉ đạo bộ phận văn hóa phối hợp với Ban Quản lý chợ, ngân hàng tăng cường tuyên truyền cho bà con Nhân dân, các hộ tiểu thương trong chợ để tin tưởng vào thanh toán không dùng tiền mặt".

Chợ truyền thống bắt nhịp chuyển đổi số- Ảnh 3.

Việc ứng dụng công nghệ trong kinh doanh đã tạo điều kiện để tiểu thương và người tiêu dùng tiếp cận với các phương thức kinh doanh hiện đại, giúp hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn và góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là cách để tiểu thương thu hút, giữ khách hàng trong bối cảnh chợ truyền thống đang phải cạnh tranh khốc liệt với các hình thức kinh doanh khác.

Nguồn: Bản tin Thanh Hóa ngày mới 16/3/2024