Chủ động ứng phó với mưa lũ

20:32 - 20/08/2019

Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa vừa có công văn gửi: Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, thành ph ố ; Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các ngành và các đơn vị liên quan về việc chủ động ứng phó với mưa lũ.

 

Theo bản tin của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hóa, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục qua Bắc Bộ kết hợp với hội tụ gió trên cao, từ sáng đến trưa nay (20/8) khu vực tỉnh Thanh Hóa có mưa, mưa rào và dông rải rác, lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, cá biệt một số nơi có lượng mưa lớn như: Bái Thượng 233mm, Lý nhân 125,4mm, Cửa Đạt 111,3mm.

Dự báo từ ngày 20-26/8, khu vực Thanh Hóa tiếp tục có mưa, mưa rào và dông; riêng các ngày từ 20-23/8 có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa cả đợt có khả năng đạt từ 100-300mm, có nơi trên 300mm. Trên các sông có khả năng xảy ra một đợt lũ, mực nước đỉnh lũ thượng lưu các sông có khả năng lên báo động 1 và trên báo động 1; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các huyện miền núi và ngập úng ở vùng trũng thấp.

Để chủ động ứng phó với mưa lũ, Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, thành phố; các ngành; các Công ty Khai thác công trình thủy lợi, Điện lực Thanh Hóa tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, thông tin cảnh báo kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ động phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả; kiên quyết không để xảy ra thiệt hại do chủ quan.

Kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, ven sông, suối, vùng trũng thấp, các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

Rà soát, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; đặc biệt là các công trình đang thi công dở dang. Tăng cường công tác kiêm tra hồ chứa nước, đặc biệt là, các hồ chứa nhỏ đang đầy nước, hồ chứa xung yếu. Chỉ đạo vận hành các hồ chứa để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du.

Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai phương án bảo vệ sản xuất, chống ngập úng. Chủ động thực hiện giải tỏa ách tắc lòng sông và các trục tiêu đế đảm bảo tốt việc tiêu úng và thoát lũ, đồng thời phải chủ động vận hành ngay các trạm bơm tiêu, cống tiêu khi có mưa lớn để bảo vệ diện tích lúa và hoa màu.

Chuẩn bị lực lượng canh gác tại các ngầm, tràn, bến đò, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết để kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân.

Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh./.