Chủ tịch UBND tỉnh nghe báo cáo đề án bảo trì đường huyện, đường xã và các giải pháp quản lý phát triển hạ tầng đô thị

20:11 - 12/06/2018

(TTV) - Ngày 12/6, đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị nghe báo cáo đề án bảo trì đường huyện, đường xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2020; các giải pháp tăng cường công tác quản lý đối với dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh. Dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Anh Tuấn, đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Thanh Hoá hiện có khoảng 7170km đường huyện, đường xã. Hệ thống đường này sau khi được đầu tư xây dựng đã bàn giao cho UBND cấp huyện và UBND các xã quản lý nên công việc bảo trì chưa được coi trọng đúng mức, kinh phí dành cho bảo trì thấp. Vì vậy, phần lớn các tuyến đường bị xuống cấp nhanh chóng, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng tại địa phương.

Đề án bảo trì đường huyện, đường xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2020 nhằm xây dựng cơ sở pháp lý để quy định trách nhiệm cụ thể của các ngành, các cấp chính quyền trong việc thực hiện bảo trì đường huyện, đường xã; xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí từ ngân sách tỉnh cho bảo trì đường huyện, đường xã. Theo đề án, tổng kinh phí để bảo trì hằng năm đường huyện, đường xã giai đoạn 2019-2020 là 161,966 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 25%.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng thống nhất đề án bảo trì đường huyện, đường xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 – 2020. Đồng thời, trên cơ sở các ý kiến của các đại biểu, Sở GTVT chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan bổ sung, hoàn chỉnh đề án, trình UBND tỉnh phê duyệt.

Tiếp đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng đã nghe đại diện Sở Xây dựng trình bày đề xuất các giải pháp tăng cường công tác quản lý đối với các dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Trước thực tế tiến độ và chất lượng các công trình phát triển đô thị còn nhiều tồn tại, hạn chế; vai trò của cơ quan nhà nước trong việc quản lý, giám sát việc thực hiện của chủ đầu tư chưa cao; việc phân công trách nhiệm quản lý chưa rõ ràng, cụ thể; Sở Xây dựng đã đề xuất một số giải pháp để tăng cường công tác quản lý, như: rà soát lại các dự án đang triển khai để phân công đơn vị có trách nhiệm tham gia quản lý chất lượng và nghiệm thu công trình; phân cấp nhiệm vụ rõ ràng cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Thanh Hoá, BQL KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp, UBND các huyện thị thành phố trong việc giám sát, nghiệm thu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của các dự án; giao trách nhiệm cho các sở ngành cụ thể trong việc xác định chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho chủ đầu tư để xác định tiền sử dụng đất nộp ngân sách nhà nước…

Sau ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng nhấn mạnh: hiện nay, việc phát triển hạ tầng đô thị đang có nhiều vấn đề cần phải chấn chỉnh và cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với vấn đề này. Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, tham gia ý kiến vào các giải pháp tăng cường công tác quản lý đối với dự án phát triển đô thị, dự án phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh để tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về quản lý đô thị, quản lý nhà ở trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng cũng lưu ý: cần phải xây dựng cụ thể các cơ chế về quản lý hạ tầng, quản lý đất đai, quản lý quy hoạch và quản lý đầu tư để hạn chế, loại bỏ những nhà đầu tư không có năng lực, hoặc năng lực yếu; giải quyết tình trạng chậm đầu tư, chậm tiến độ đối với các dự án phát triển hạ tầng đô thị./.

Hữu Đại – Xuân Trường