Chú trọng vấn đề phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trong mùa mưa, bão

22:09 - 22/07/2018

(TTV) - Do ảnh hưởng của mưa, bão, môi trường bị ô nhiễm dễ phát sinh và phát tán dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Để hạn chế dịch lây lan, bùng phát, các hộ chăn nuôi cần tăng cường các biện pháp chăm sóc, bảo vệ vật nuôi.

Xã Đông Lĩnh, Thành phố Thanh Hóa có 26 gia trại chăn nuôi, tổng đàn 7.700 con gia súc, gia cầm. Do mưa lũ, nguồn nước, môi trường xung quanh chuồng nuôi bị ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, dễ phát sinh và lây lan dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Chính quyền xã Đông Lĩnh đã chỉ đạo các thôn, hướng dẫn các hộ tu sửa chuồng trại, tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chuồng nuôi, khi nước rút các hộ phải nhanh chóng thu gom tàn dư để hạn chế dịch bệnh.

Ông Lê Đăng Duẩn (Phó Chủ tịch UBND xã Đông Lĩnh, Thành phố Thanh Hóa.) cho biết: "Giả xử có vấn đề về công tác vệ sinh ảnh hưởng đến dịch bệnh đàn GSGC của các hộ, xã có biện pháp cụ thể là giao cho cán bộ thú y và trực tiếp là ban chỉ đạo sẽ xuống kiểm tra và xử lý triệt để nếu giả sử có tình huống xảy ra vượt quá thẩm quyền sẽ báo cáo với Thành phố chỉ đạo."

 

Trong và sau mưa, bão, nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm thường xảy ra với đàn gia súc, gia cầm như; tụ huyết trùng, lở mồm long móng, tiêu chảy, cúm gia cầm... Các hộ chăn nuôi cần cung cấp đầy đủ thức ăn để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi; vệ sinh, tu sửa chuồng trại, khơi thông cống rãnh, đưa gia súc, gia cầm đến nơi khô ráo. Đặc biệt các hộ phải phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực xung quanh chuồng nuôi để hạn chế các loại mầm bệnh phát tán, lây lan,

Ông Lê Khả Lâm (Thôn 9, xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa.) cho biết: "Vệ sinh khu vực môi trường tối đa loại trừ côn trùng, ruồi muỗi để loại trừ dịch bệnh. Công tác chăm sóc, vắcxin phải đầy đủ"

Ông Lê Sỹ Thành (Trưởng phòng khuyến nông chăn nuôi - Trung tâm khuyến nông Thanh Hóa) cho biết: "Đối với các loại bệnh không có vắcxin, chúng ta phải bổ sung các loại thuốc trợ sức, trợ lực vitamin, Becomlec để nâng cao sức đề kháng và tăng khả năng chống bệnh cho đàn vật nuôi. 01’30. Trong mưa lũ, nếu có trường hợp xác gia súc, gia cầm, chúng ta phải nhanh chóng tiến hành thu gom xác vật nuôi chết và tiến hành tiêu hủy môi trường"

Bên cạnh đó, nếu phát hiện gia súc, gia cầm có biểu hiện ủ rũ, không nhanh nhẹn, bỏ ăn, các hộ tiến hành cách ly và kịp thời báo cáo cho cơ quan thú y cũng như chính quyền địa phương sớm có biện pháp xử lý, tránh để lây lan ra diện rộng. Việc phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trong mùa mưa bão cần được các hộ chăn nuôi thực hiện thường xuyên, liên tục để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và giảm bớt thiệt hại cho người nuôi.

Lan Hương – Lê Quang