Chút cảm nhận của một giám khảo tiểu ban Phát thanh trực tiếp

06:50 - 11/05/2018

Phát thanh Việt Nam vẫn đang bắt kịp được một trong những xu thế của phát thanh thế giới. Ban Tổ chức Liên hoan Phát thanh (LHPT) Toàn quốc lần thứ XIII trân trọng giới thiệu bài viết của PGS TS Vũ Quang Hào, giám khảo tiểu ban Phát thanh trực tiếp.

Phát thanh Việt Nam vẫn đang bắt kịp được một trong những xu thế của phát thanh thế giới

1.Số lượng đơn vị tham gia thi Phát thanh trực tiếp (PTTT) ở Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XIII- năm 2018 đông đảo nhất từ trước đến nay (31 đơn vị) đã thêm một minh chứng rằng: Phát thanh Việt Nam vẫn đang bắt kịp được một trong những xu thế của phát thanh thế giới mà theo đó phương thức PTTT là phương thức phát thanh tốt nhất cho đến nay và chưa có phương thức nào ưu việt hơn thay thế nó.

chut cam nhan cua mot giam khao tieu ban phat thanh truc tiep hinh 1

PGS.TS Vũ Quang Hào

Hơn thế, gần 1/3 số đài địa phương dự thi PTTT cho thấy, một tín hiệu rất đáng mừng trong bối cảnh ít năm qua bức tranh phát thanh địa phương đây đó không khích lệ lắm. Tín hiệu này góp phần nói lên ý nghĩa rất lớn của Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XIII.

Phần lớn các chương trình dự thi nhất là những chương trình của các đơn vị thuộc Đài TNVN (VOV) đã trình diễn được năng lực chuyên nghiệp cao, thậm chí kì diệu của kíp sản xuất trong cuộc chơi âm thanh hiện đại mà thính giả là người được hưởng lợi nhiều nhất.

2.Ấn tượng tốt về những chương trình thi PTTT năm nay, theo chúng tôi:

Thứ nhất, hầu hết các chương trình dự thi đều được chuẩn bị kĩ lưỡng, công phu, tạo tâm thế tự tin, hứng thú với niềm vui nghề nghiệp kể cả chương trình của những Đài dự thi PTTT lần đầu.

Thứ hai, nhân vật của nhiều chương trình có trọng lượng đáng kể, trúng với nội dung đề tài chương trình và thậm chí là rất “độc”: vị lãnh đạo ở tỉnh, ở bộ, ngành Trung ương, vị tướng, chuyên gia, luật sư, doanh nhân, nghệ nhân, ca sĩ, và đặc biệt là nhân vật vừa là chuyên gia vừa là người trong cuộc hoặc vừa là ca sĩ và là người kể chuyện (bác sĩ bị ung thư, người thanh niên dân tộc Mông, ca sĩ người nước ngoài…).

Nhiều người trong số họ đã nói rất tốt, tốt về thông tin, tốt về cảm xúc và tốt cả về giọng điệu cần yếu cho phát thanh. Và không ít người trong số họ đến với chương trình sau một hành trình không hề ngắn.

Thứ ba, một vài chương trình có cách làm mới mà PTTT bấy lâu chưa làm như: Đài PT – TH Thái Nguyên và Đài PT- TH Long An kể câu chuyện khá kịch tính bằng chính doanh nhân, dược sĩ và sản phẩm thương hiệu của địa phương.

Nếu nhìn bằng con mắt truyền thống thì có thể cho rằng chương trình của hai đài này có vẻ nghiêng sang quảng cáo, nhưng theo chúng tôi, đây là nét mới đáng khích lệ trong làm phát thanh trực tiếp nói riêng và phát thanh nói chung. Bởi nó đang bén được với xu thế quảng bá bằng nội dung (content marketing) của truyền thông thế giới.

Thứ tư, hầu hết các chương trình dự thi PTTT kỳ này đều khai thác tối đa và hiệu quả tính năng công nghệ hiện đại, đặc biệt trong việc lấy tương tác công chúng hay quảng bá chương trình qua fanpage, qua livestream trên facebook.

Thứ năm, bên cạnh nhiều điểm mạnh khác thì mỗi chương trình đều để lại ấn tượng rất riêng nhờ thế mạnh đặc hữu hoặc với ý đồ riêng.

Chẳng hạn: VOV1 với những nét riêng của điểm cầu từ thường trú nước ngoài.

VOV2 với cách quản trị rủi ro và xử lý khéo trước những tương tác nhạy cảm.

VOV4 với một chất đậm đà phát thanh.

VOV5 với tiết tấu nhanh và style hiện đại.

Đài PT- TH Quảng Trị với lối tuyên truyền rất khéo về câu chuyện tạo sinh kế cho người dân vùng biển sau sự cố môi trường biển thông qua việc nối điểm cầu trang trại hiệu quả của người dân, tiếng nói tích cực của người dân, tiếng nói thuyết phục của vị Phó Chủ tịch tỉnh, thông qua việc chỉ ra được điểm vượt trội trong cách làm của tỉnh này so với những tỉnh chịu chung sự cố môi trường biển.

Đài PT- TH Phú Yên với cách tạo cảm xúc cho thính giả nhờ những trích băng tràn nước mắt của người dân khi nhiều chục lồng bè tôm hùm của họ tan tác theo bọt biển.

Đài PT- TH Quảng Ninh với một phóng sự thực địa rất nghề về chợ cá. Đài PT- TH Nghệ An với chủ đề rất “rắn” (biên chế giản nhưng chưa tinh) khiến người nghe “lo thay” cho khách mời phòng thu là Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An trước những câu hỏi của dân.

Đài PT- TH Bình Dương dùng người dân cảnh báo người dân về hậu quả của tín dụng đen. Đài PT- TH Quảng Bình với một điểm cầu trong nước rất xa xôi (Quảng Bình – Nghệ An- Điện Biên)…

Thứ sáu, ngoại trừ những người dẫn nổi bật như Hoàng Dũng (Đài VOH), Thanh Hà và Phương Khanh (VOV5), nhiều bạn dẫn rất trẻ trong kỳ thi PTTT lần này đã khẳng định được rằng họ đã và đang là những người trẻ tuổi đảm đương tốt vai trò của một trong những thành viên quan trọng nhất trong kíp sản xuất PTTT. Trong số đó có thể kể tới: Tuyết Hạnh (Đài PT- TH Thanh Hóa), Như Quỳnh (Đài PT- TH Quảng Trị), Vũ Hoàng (Đài PT- TH Bình Dương), Ngọc Minh (Đài PT- TH Hậu Giang), Trần Nhật (Đài PT- TH Phú Thọ), Tuấn Tú (VOV1), Phương Thảo (VOV2)…

3.Sáu điểm chia sẻ:

Thứ nhất, một vài chương trình chứng tỏ kíp sản xuất chưa nắm được thế nào là PTTT.

Thứ hai, còn quá ít chương trình có góc tiếp cận tốt, hoặc bỏ lỡ góc tiếp cận lợi thế, thú vị, độc đáo mà nó đang lồ lộ ngay ở chủ đề của chương trình.

Thứ ba, không ít chương trình có chủ đề quá lớn hoặc ôm vào lòng mình quá nhiều thứ khiến thính giả khó biết được món chính của bữa ăn này là gì, thậm chí khiến thích giả khó nghe xét về logic.

Thứ tư, một vài chương trình dồn quá nhiều tâm sức vào khách mời phòng thu nhưng khi chạy chương trình thì việc khai thác khách mời, kết nối họ với thính giả hay điểm cầu mở ra lại rất mờ nhạt. Trong khi đó có chương trình người dẫn chỉ ngồi giới thiệu cho khách mời đọc tài liệu của họ. Vài chương trình không làm được việc tối thiểu của PTTT là kết nối: kết nối giữa người dẫn với khách mời giữa khách mời với nhau giữa khách mời với thình giả và với phóng viên hiện trường. Tất cả chỉ được “trình bày cơ học” theo trình tự mà kịch bản đã khổ công viết ra.

Thứ năm, tương tác của thính giả qua điện thoại (phone-in) còn ít và muộn trong khi đây lại là linh hồn của PTTT bởi nó lộ ra một trong những sứ mệnh của phương thức phát thanh này là góp phần nâng cao mặt bằng dân chủ trong xã hội.

Đành rằng, fanpage đã cho kíp sản xuất PTTT lợi thế rao sóng (teaser) sớm và hút bình luận (comments) rất tốt nhưng kiểu tương tác này mạnh về chữ (text) mà chưa mạnh về giọng nói (voice).

Thứ sáu, một vài chương trình PTTT khiến thính giả có cảm giác đang nghe đọc báo điện tử. Bởi vì: tin chay, phóng sự quá ít chi tiết, giọng người dẫn quá yếu hoặc người dẫn chỉ chăm chú đọc kịch bản hơn là kết nối và đối thoại với khách mời và với thính giả; tiếng động hiện trường hay âm nhạc chỉ như là thứ “xa xỉ” đối với chương trình./.

PGS.TS Vũ Quang Hào/ VOV