Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp

16:35 - 14/12/2018

Ưu tiên hàng đầu là cần thống nhất sớm hiện thực hoá quan điểm của Thủ tướng, chuyển từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp".

Nhằm góp phần tìm giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết 120 của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, sáng 14/12, Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với các địa phương vùng ĐBSCL và Thời báo Kinh tế Sài Gòn  tổ chức hội thảo: “Một năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh: Nghị quyết số 120 của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, ban hành ngày 17/11/2017, liên quan tới gần 30 bộ, ngành và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Trước đó, phát biểu tại hội nghị chuyên đề để có Nghị quyết này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, ĐBSCL phát triển theo hướng “thuận thiên” là chính.

Ông Lê Minh Hoan: Cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Ông Lê Minh Hoan: Cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Tại hội thảo, ý kiến từ nhiều địa phương trong vùng nêu rõ, thực tế một năm qua, một số tỉnh, thành ĐBSCL đã ra nghị quyết chuyên đề và một số bộ, ngành đã xúc tiến một số chương trình nhằm thực hiện Nghị quyết 120. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn xa so với mục tiêu, quan điểm và giải pháp thực hiện mà Nghị quyết đã đề ra; trong đó có vấn đề thiếu liên kết và kinh phí.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nêu rõ, một trong những ưu tiên hàng đầu là cần thống nhất sớm hiện thực hoá quan điểm của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu tháng 9/2017 thành kế hoạch hành động cụ thể phù hợp với đặc trưng và điều kiện của Vùng. Đó là, chuyển từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp". Một trong những thành phần vô cùng quan trọng để hiện thực hoá quan điểm, đó chính là đội ngũ các chuyên gia và các nhà khoa học từ các viện, trường cùng nối kết với cộng đồng doanh nghiệp để dẫn dắt người nông dân thay đổi. Trong đó, tư duy kinh tế cần và phải được dẫn dắt bởi cộng đồng doanh nghiệp và sự tham gia nhiệt thành của các nhà khoa học.

“Một doanh nghiệp đã dám thuê một công ty Mỹ để nghiên cứu về công nghệ sử dụng các phụ phẩm từ con cá tra với kinh phí cả trăm ngàn USD. Vì vậy, nếu chúng ta có được những đề tài gắn với sự phát triển của doanh nghiệp thì sẽ huy động được vốn”, ông Lê Minh Hoan cho biết.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, ĐBSCL có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân, đòi hỏi phải có những giải pháp toàn diện, lâu dài, cấp bách để phát triển bền vững ĐBSCL.

Thanh Tùng/VOV-ĐBSCL