Cơ cấu giống lúa và phòng trừ sâu bệnh cuối vụ

16:14 - 16/05/2018

(TTV) - Hiện nay, đa số các trà lúa đang trong giai đoạn trổ bông, hoặc vào chắc. Bởi vậy công tác phòng trừ sâu bệnh bảo vệ thành quả lao động lúc này rất quan trọng. Bài viết dưới đây sẽ khuyến cáo bà con một số thông tin chính về cơ cấu vụ mùa và phòng trừ một số đối tượng sâu bệnh cuối vụ.

Chủ trương của tỉnh và ngành nông nghiệp và PTNT, ưu tiên sử dụng các giống lúa ngắn ngày, mở rộng diện tích lúa thuần chất lượng cao để nâng cao giá trị; sử dụng các giống lúa lai và lúa thuần năng suất cao, chất lượng trung bình để đảm bảo mục tiêu sản lượng và phục vụ chế biến. Mở rộng tối đa trà lúa cực sớm và mùa sớm; hạn chế trà lúa mùa chính vụ, mùa muộn để né tránh mưa bão, sâu bệnh cuối vụ mùa, đảm bảo cho lúa trỗ, chín an toàn. Mỗi cánh đồng chỉ nên cơ cấu từ 1-2 giống lúa, mỗi xã nên cơ cấu từ 3-4 giống để tập trung chỉ đạo đạt hiệu quả cao.

Trà lúa mùa cực sớm, né lụt trên chân đất sâu trũng, ngoài đê, sử dụng các giống: Thanh ưu 4, TH3-5, SV181, có thời gian sinh trưởng dưới 100 ngày; thời vụ gieo mạ từ ngày 10-15/5/2018, thu hoạch trước ngày 01/9/2018.

Trà lúa mùa sớm, trên chân đất vàn, 2 vụ lúa - vụ đông sớm (ớt, rau đông sớm, bí xanh, ngô, đậu tương, ...), sử dụng các giống: Bắc Thịnh, TBR225, Đông A1, Kim Cương 111, DQ11, Nghi hương 2308, VT404, HN6, TBR45, HĐ9, có thời gian sinh trưởng từ 100-115 ngày; thời vụ gieo mạ từ ngày 25-30/5/2018, thu hoạch trước ngày 20/9/2018.

Trà lúa mùa sớm, trên chân đất vàn, 2 vụ lúa mở rộng sản xuất vụ đông (ngô, rau vụ đông, ...), sử dụng các giống: BC15, Thiên ưu 8, GS55, TeJ vàng, Bắc Hương 9, Hương Cốm 4, Khang dân (18, đột biến), có thời gian sinh trưởng từ 110-115 ngày, thời vụ gieo mạ từ ngày 30/5-5/6/2018, thu hoạch trước ngày 05/10/2018.

Trà lúa mùa chính vụ, trên chân đất vàn thấp, chuyên 2 vụ lúa, sử dụng các giống: M1-NĐ, N ưu 69, Nhị ưu 838, Nhị ưu 986, TBR-1, Q5, Hương Biển 3, có có thời gian sinh trưởng trên 115 ngày, thời vụ gieo mạ từ ngày 25/5-10/6/2018, thu hoạch trước ngày 10/10/2018.

Hiện nay đa số các trà lúa đang trong giai đoạn trổ bông. Bởi vậy, các đối tượng sâu bệnh cần chú phòng trừ gồm có:

Rầy nâu:

Đối với lúa giai đoạn đòng già, đòng trổ, và mới trổ, bà con có thể dùng thuốc trừ rầy thuộc nhóm nội hấp, lưu dẫn hoặc có cả tiếp xúc vị độc, xông hơi như: Victory 585EC, FILIA 525SE,…Đối với lúa đã vào giai đoạn ngậm sữa, chắc xanh hoặc chín đỏ đuôi, bà con chỉ dùng thuốc nhóm tiếp xúc như thuốc Bassa 50 EC hiệu lực trừ rầy nhanh, kéo dài. Khi phun nhất thiết phải rẽ lúa thành băng rộng từ 0,8-1m, hạ thấp vòi, phun thuốc trực tiếp và gốc, thân lúa. Nếu mật độ rầy lớn phải phun kép, lần sau cách lần trước 5-7 ngày. Đảm bảo lượng nước trên ruộng từ 5-7cm, để thuốc tập trung trên thân lúa và rầy không trú ẩn dưới gốc lúa.

Đạo ôn cổ bông:

Trong giai đoạn lúa trổ nếu thấy điều kiện thời tiết dưới 30 độ C, cộng thêm độ ẩm cao trên 80% thì nhất thiết phải phun phòng đạo ôn cổ bông, đặc biệt là đối với giống nhiễm hoặc từng bị đạo ôn lá. Về bộ thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn, bà con có thể dùng một số loại thuốc được cơ quan chuyên môn khuyến cáo như Katana 20SC dạng gói, Katana 20SC dạng cốc hình trụ, Kabim 30WP…

Bệnh lem lép hạt:

Việc phòng trừ lem lép hạt cần tiến hành sớm, trước và sau khi lúa trổ. Sử dụng sản phẩm thuốc trừ nấm bệnh Tiptop 250EC, Tilt super 300EC. Pha 16-20ml thuốc với 16-20 lít nước, phun ướt đều lên thân, lá lúa. Chủ động phun khi lúa bắt đầu trổ lác đác, phun lại lần hai khi lúa trổ thoát hoàn toàn.