Còn nhiều kẽ hở trong quy định quản lý việc nuôi chó trong khu dân cư

18:32 - 12/05/2019

(TTV) - 3 năm trở lại đây, cùng với sự gia tăng của trào lưu nuôi chó cảnh có nguồn gốc từ nước ngoài, số vụ chó cắn người, đặc biệt là trẻ em gây thương tích cũng tăng lên. Tình trạng này không chỉ có trách nhiệm của người nuôi chó, mà còn có trách nhiệm của chính quyền địa phương khi buông lỏng quản lý trong việc kiểm tra, giá sát thực hiện quy định nuôi chó và các loại súc vật.

 

Theo quy định tại Nghị định 05 năm 2007 của Chính phủ và Thông tư 07 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Ủy ban Nhân dân cấp xã, phường chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi thả rông chó ở nơi công cộng. Theo đó, Ủy ban Nhân dân cấp xã, phường chịu trách nhiệm bắt giữ; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận; áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi; tiêu hủy chó nếu sau 48 giờ, kể từ khi có thông báo mà không có người nhận... Song trên thực tế, quy định này hầu như chưa được thực hiện kể cả khi các vụ việc chó cắn người gây thương tích nghiêm trọng đang ngày càng gia tăng.

Bên cạnh sự thiếu trách nhiệm trong thi hành quy định của chính quyền địa phương, thì theo các chuyên gia, ngay những quy định về quản lý nuôi chó trong khu dân cư còn thiếu hướng dẫn cụ thể, như: bắt buộc phải thành lập đội bắt chó thả rông tại địa phương, thành viên trong đội là những ai? Chế tài bắt buộc các hộ dân phải đăng ký nguồn gốc, số lượng chó nuôi với chính quyền địa phương...

Tuy nhiên, chưa cần ban đến quy định pháp luật ra sao, nhưng nếu người nuôi chó, chính quyền địa phương chỉ cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện đúng các quy định: Không nuôi chó mèo khi chưa tiêm phòng bệnh dại; Không thả rông chó mèo; bắt buộc rọ mõm cho chó mèo, Không để chó mèo cắn người là đã góp phần giảm nguy cơ cho cộng đồng.

Thùy Linh - Tuấn Anh