Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm - Bước tiến mới từ nhận thức đến hành động

20:14 - 21/10/2020

(TTV) - Ngày 18/8/2016 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành nghị quyết về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn Thanh Hóa đến năm 2020". Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, sự vào cuộc tích cực của các đơn vị, doanh nghiệp và người dân, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm của tỉnh Thanh Hóa đạt nhiều kết quả tích cực từ nhận thức đến hành động.

Cũng như nhiều người nội trợ khác, trước đây, chị Nguyễn Thị Oanh, ở Khu đô thị Bình Minh, thành phố Thanh Hóa khá dễ dãi khi lựa chọn thực phẩm cho gia đình. Tuy nhiên, do nhận thức được mối nguy hại từ thực phẩm không an toàn, chị Oanh đã ưu tiên lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, được bày bán trong các siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn. 

Chị Nguyễn Thị Oanh ưu tiên lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ
Chị Nguyễn Thị Oanh ưu tiên lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ

Thói quen của tiêu dùng thay đổi, đã dẫn đến người sản xuất, kinh doanh cũng phải thay đổi tư duy và cách làm đảm bảo sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, chất lượng.

Từ thực tế ở các địa phương cho thấy: sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 04 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhận thức về vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm của cán bộ, đảng viên và người dân có sự thay đổi tích cực, tư duy và cách thức tổ chức thực hiện có nhiều sáng tạo. Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh nhờ đó cũng đạt được nhiều thành công. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được hình thành và nhân rộng. Một số chỉ tiêu về an toàn thực phẩm đạt và vượt mục tiêu đề ra như: Tỷ lệ sản phẩm thực phẩm sản xuất, chế biến theo mô hình sản xuất lớn, tập trung đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm đạt 100%; tỷ lệ thực phẩm tiêu dùng được cung cấp thông qua các chuỗi liên kết có xác nhận đạt 55,3%; tỷ lệ bếp ăn tập thể đảm bảo an toàn thực phẩm đạt 100%. Một số địa phương đã có cách làm sáng tạo, hiệu quả, phát huy tính chủ động, tinh thần trách nhiệm của cán bộ và người dân trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm như: Thành phố Thanh Hóa, huyện Đông Sơn, Thọ Xuân, Bá Thước, Vĩnh Lộc, Nông Cống. Đặc biệt, 2 huyện Đông Sơn và Vĩnh Lộc có 100% số xã được công nhận đạt tiêu chí xã an toàn thực phẩm.

Để đạt được những kết quả trên, Thanh Hóa đã thực hiện phân bổ nguồn lực cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; Bộ máy về quản lý an toàn thực phẩm từ cấp tỉnh đến cấp xã được thành lập và kiện toàn, phân công, phân cấp rõ ràng; Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm được thực hiện từ tỉnh đến, huyện, xã thôn, xóm. Trên địa bàn tỉnh có 4.334 tổ giám sát an toàn thực phẩm thôn/bản/ khu phố, 321 tổ giám sát an toàn thực phẩm tại chợ. Đây là “những cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền các cấp trong cuộc chiến đẩy lùi thực phẩm bẩn. Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn Thanh Hóa chỉ xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm, không có trường hợp tử vong.

Đạt được các tiêu chí an toàn thực phẩm đã khó nhưng giữ vững được tiêu chí này lại càng khó hơn. Những kết quả đạt được và kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo, thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm thời gian qua sẽ là tiền đề quan trọng để Thanh Hóa tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ và mục tiêu cao hơn trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm những năm tiếp theo.

Hồng Tư – Quang Phú

Theo Bản tin Thời sự Tối/TTV