Công tác thi hành án năm 2018 đảm bảo lợi ích hợp pháp của người dân

09:30 - 14/11/2018

Báo cáo về công tác thi hành án năm 2018 của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày khẳng định năm 2018, công tác thi hành án tiếp tục có chuyển biến tích cực, đảm bảo lợi ích hợp pháp của công dân, đảm bảo trật tự an ninh chính trị, an toàn xã hội, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Về kết quả đạt được trong công tác thi hành án dân sự, báo cáo cho biết năm 2018 số vụ việc phải thi hành án tăng cao nhất từ trước đến nay (số tiền phải thi hành trên 196.000 tỷ đồng). Chính phủ đã tập trung chỉ đạo tổ chức thi hành đối với nhiều vụ án trọng điểm mà số tiền, tài sản phải thu hồi có giá trị lớn; số vụ việc khiếu nại, tố cáo được giải quyết đạt tỷ lệ 97,1%.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày báo cáo. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày báo cáo. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Về công tác thi hành án hành chính, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm 2018, thành lập đoàn kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính và công tác thi hành án hành chính của UBND và Chủ tịch UBND tại một số địa phương, các cơ quan thi hành án dân sự cũng đã ra thông báo, đăng tải công khai, có văn bản kiến nghị xử lý, số án hành chính thi hành xong giảm nhiều. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện theo dõi 363 bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính (số cũ chuyển sang là 85 việc); ra thông báo về trách nhiệm tự nguyện thi hành án đối với 336 việc; có văn bản kiến nghị xử lý đối với 13 trường hợp do không chấp hành án. Kết quả thi hành xong 139 việc, đạt 38,3%. Trong số 224 việc chưa thi hành xong, có 151 trường hợp người phải thi hành án là Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (trong đó có 25 việc chuyển từ năm 2017 sang).

Về tình hình thi hành Nghị quyết 107/2015/QH13 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại: Năm 2018, hoạt động Thừa phát lại tại các địa phương tiếp tục được mở rộng. Hiện đã có 34 tỉnh, thành phố có Thừa phát lại hoạt động, tăng 16 Văn phòng và 75 Thừa phát lại, tổng doanh thu đạt trên 128 tỷ đồng (tăng 14 tỷ đồng). Công tác hoàn thiện thể chế của Chính phủ đã được chú trọng, hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động này.

Đối với, công tác thi hành án phạt tù, năm 2018, Chính phủ đã tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, giáo dục phạm nhân. Công tác thi hành án phạt tù tiếp tục có chuyển biến tích cực. Các cơ sở giam giữ không xảy ra việc phạm nhân gây rối; công tác khám chữa bệnh cho phạm nhân được tăng cường nên số phạm nhân chết vì mắc bệnh hiểm nghèo tại các cơ sở giam giữ giảm các trại giam đã chú trọng đổi mới các hình thức giáo dục, tạo chuyển biến đáng kể về nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành án của phạm nhân; số phạm nhân xếp loại giáo dục cải tạo tốt, khá đều tăng so với cùng kỳ năm 2017. Đồng thời, số phạm nhân được Tòa án quyết định miễn, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù tăng 5.277 người. Công tác thi hành án phạt tù tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ về cơ bản chấp hành đúng các quy định về tỷ lệ để lại cơ sở tạm giam, tạm giữ, lứa tuổi, loại tội và mức án. Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC đã khẩn trương hoàn thiện thể chế và triển khai thực hiện quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự về tha tù trước thời hạn có điều kiện. 

Về Công tác thi hành án tử hình, số người bị kết án tử hình trong năm 2018 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước (tăng 122 trường hợp). Bộ Công an đã chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng ngừa, kiểm tra, kiểm soát, không để xảy ra trường hợp người bị kết án tử hình trốn khỏi nơi giam giữ như năm trước. Các địa phương đã tổ chức thi hành án 85 trường hợp, bảo đảm an toàn, đúng quy định của pháp luật.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm năm 2019. Trong đó, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và các văn bản pháp luật liên quan; hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ thi hành án dân sự được Quốc hội giao. Tập trung triển khai thực hiện kết quả giám sát việc thi hành án tố tụng hành chính. Hoàn thiện thể chế thừa phát lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hành nghề thừa phát lại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động thừa phát lại. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, tập trung hoàn thiện thể chế về thi hành án hình sự; thực hiện tốt, hiệu quả công tác đặc xá. Kiện toàn bộ máy cơ quan tổ chức thi hành án hình sự theo mô hình tổ chức mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chiến sỹ làm công tác thi hành án hình sự.

Xuân Tuyến/BaoChinhphu.vn