Cúng sao giải hạn để thay đổi được nghiệp xấu là điều hoang tưởng

07:40 - 17/02/2019

Vài năm trở lại đây, cứ sau dịp Tết Nguyên đán, nhiều người dân lại tìm đến các chùa, đền, phủ, điện... làm lễ cúng sao, giải hạn để tránh vận xui; cầu mong một năm mới may mắn, an lành, khỏe mạnh, thành đạt, một số ngôi chùa có tình trạng quá tải vì người chen lấn để làm lễ. Nhiều người đến chùa cúng sao giải hạn thậm chí không hiểu về nghi lễ của Đạo Phật, mà chỉ theo phong trào.

Sư thầy Thích Tâm Hải, Trưởng ban Thông tin – Truyền thông Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh, Phó Tổng biên tập Báo Giác Ngộ, chia sẻ về vấn đề này để người dân hiểu đúng, tránh việc làm dụng, thậm chí mê tín dị đoan, ảnh hưởng đến đời sống và trật tự xã hội.

Theo Sư thầy Thích Tâm Hải, việc người dân đến các điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo cầu nguyện an lành, nhất là vào đầu mỗi năm mới là nhu cầu chính đáng của con người, đó cũng là nét đẹp về văn hóa được hình thành từ xưa.

Trong ảnh hưởng chung của tam giáo (Phật, Nho và Lão), qua quá trình lịch sử, các quan niệm nhân sinh và vũ trụ của các hệ tư tưởng này có sự tiếp biến, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, và trong văn hóa của dân tộc, cũng có hiện tượng đó.

Theo Sư thầy Thích Tâm Hải, trong nhà chùa, đôi khi thấy một vài sinh hoạt tín ngưỡng có màu sắc của Lão giáo, như tín lý về ảnh hưởng của các tinh tú lên đời sống con người qua việc dâng sao giải hạn.

Việc nhà chùa tổ chức lễ dâng sao giải hạn là do ảnh hưởng và đáp ứng niềm tin đó của một số người. Nghi lễ này không phải của Đạo Phật và không phù hợp với nguyên lý về Nhân – Quả mà Đức Phật đã dạy.

 
Nhiều người đội sớ cúng sao, giải hạn tại chùa Viên Giác ở quận Tân Bình dịp đầu năm

Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã có thông báo đến Tăng Ni, Phật tử, rằng phương tiện tổ chức các nghi lễ cầu an đầu năm nhưng nên theo đúng tinh thần chánh tín, thay việc tổ chức các hình thức nghi lễ như dâng sao giải hạn bằng pháp hội Dược Sư kỳ an đầu năm.

Theo quan sát cá nhân của chúng tôi, nhiều chùa đã thực hiện điều đó; tuy nhiên cũng có một vài nơi vẫn còn tổ chức dâng sao giải hạn.

Sư thầy Thích Tâm Hải cho biết, để không xảy ra tình trạng cúng sao giải hạn, trước Tết Kỷ Hợi 2019, trong hội nghị tổng kết hoạt động Phật sự năm 2018 và triển khai phương hướng hoạt động năm 2019 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh, với sự tham dự của Thường trực 12 ban chuyên môn và các Ban Trị sự Phật giáo 24 quận, huyện tại thành phố, Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo TP Hồ Chí Minh đã triển khai thông báo hướng dẫn về việc chấn chỉnh các nghi lễ liên quan tới nhu cầu kỳ an đầu năm của tín đồ, người dân có tín ngưỡng.

Theo đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh chủ trương thực hiện pháp hội Dược Sư kỳ an, cầu quốc thái dân an tại trung tâm hành chánh – văn hóa – tâm linh Việt Nam Quốc Tự và yêu cầu Giáo hội các quận huyện, các chùa trên địa bàn thành phố thực hiện điều đó.

Đây là chủ trương nhằm chấn chỉnh, thay đổi nếp sinh hoạt tín ngưỡng, chuyển đổi nội dung các lễ nghi ảnh hưởng bởi các tín lý không phù hợp nguyên lý nhân quả.

Việc thay đổi nếp sinh hoạt tín ngưỡng đã ăn sâu vào niềm tin của người dân là một quá trình lâu dài. Đây là năm thứ 7 Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh thực hiện điều này và kết quả rất khả quan. Chẳng hạn như tại Việt Nam Quốc Tự (quận 10), pháp viện Minh Đăng Quang (quận 2), chùa Ấn Quang (quận 10)… cũng như các ngôi chùa tiêu biểu khác, chúng ta sẽ cảm nhận trực tiếp một cách sinh động hơn.

Sư thầy Thích Tâm Hải cho rằng, muốn qua sự cầu nguyện, qua việc cúng sao giải hạn để thay đổi được nghiệp xấu của mình là điều hoang tưởng.

Cầu nguyện là điều cần thiết và chính đáng của người có tín ngưỡng. Tuy nhiên, không ai có năng lực chuyển hóa được nghiệp xấu của mỗi người ngoài chính chúng ta.

Việc thay đổi, chuyển hóa các nghiệp xấu không thể qua sự cầu nguyện, qua một lễ nghi mang màu sắc tôn giáo nào đó, mà chỉ có thể qua sự thay đổi suy nghĩ, lời nói và việc làm của mình theo hướng lợi lạc cho mình, cho người và cho môi trường.

Hay nói cách khác, nếu không làm được gì tốt đẹp cho ai thì đừng có làm hại cho họ, cũng như cho môi trường. Đó là con đường mà Đức Phật đã dạy, được Ngài nhấn mạnh trong nhiều đối thoại với các nhà tôn giáo ở Ấn Độ hơn hai ngàn năm trăm năm trước, là yếu tố để Liên Hợp Quốc tôn vinh Đức Phật giáo giáo lý của Ngài qua việc công nhận Ngày Vesak – ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh, thành đạo và nhập diệt - là Ngày của Liên Hợp Quốc, mà năm nay đất nước chúng ta lần thứ 3 được vinh dự đăng cai tổ chức tại Hà Nam, vào tháng 5-2019.

Để có cuộc sống tốt đẹp, người dân nên chăm chỉ làm việc thiện, cố gắng tích đức bằng những việc làm có ích bản thân, cho gia đình và xã hội, không nên quá lo lắng về việc sao xấu.

 

Nhân Sơn/CAND