Đà Nẵng: Số ca nhiễm Whitmore tăng cao

17:19 - 27/11/2020

Các ca bệnh chủ yếu đến từ Quảng Nam, một số ở Nghệ An, Quảng Ngãi và TP. Đà Nẵng.

 

Một bệnh nhân mắc Whitmore đang được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng- Ảnh: VGP/Lưu Hương
Một bệnh nhân mắc Whitmore đang được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng- Ảnh: VGP/Lưu Hương

Sáng ngày 27/11, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm đến hết tháng 9, Bệnh viện chỉ ghi nhận có 4 ca mắc Whitmore, nhưng từ 1/10 đến 26/11 đã tiếp nhận điều trị cho 28 ca bệnh Whitmore, trong đó có 2 bệnh nhân tử vong do có bệnh nền nặng. Trong số này, các ca bệnh chủ yếu đến từ Quảng Nam, một số ở Nghệ An, Quảng Ngãi và Đà Nẵng.

Có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh Whitmore, ông Dương Văn Thanh (SN 1974, trú huyện Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết, đợt lũ vừa qua, nhà ông bị ngập lụt. Sau thời gian ngâm nước và lội bùn non dọn dẹp nhà cửa, ông bị sốt cao nhiều ngày nên được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực phía bắc Quảng Nam. Sau thời gian điều trị tại đây, ông được chuyển ra Bệnh viện Đà Nẵng tiếp tục chữa bệnh.

Còn anh Võ Ngọc Phương (SN 1991, trú tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) ban đầu chỉ có triệu chứng sốt liên tục kèm theo đau, nhức, sau khi đi khám ở bệnh viện mới biết mình bị bệnh Whitmore.

BS. CKII Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết: Bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng và khó chuẩn đoán. Triệu chứng ban đầu phổ biến là sốt, bị áp xe, hoại tử nhiều cơ quan, trong đó có da. Người và động vật có thể nhiễm bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bị nhiễm vi khuẩn.

Bệnh Whitmore thường gặp vào mùa mưa, tập trung tháng 7-11 hằng năm. Thời gian ủ bệnh thường từ 1-21 ngày, trung bình là 9 ngày. Mức độ nghiêm trọng của bệnh dựa vào tình trạng nhiễm trùng. Người có bệnh tiểu đường, phổi mạn tính, thận mạn tính và ung thư có nguy cơ tử vong cao hơn khi nhiễm vi khuẩn này.

Bác sĩ Nguyễn Thành Trung cũng khuyến cáo, người dân cần hiểu đúng về bệnh Whitmore, bệnh do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei sống ở môi trường nước đọng bẩn hoặc đất bẩn gây ra, khác với vi khuẩn Vibrio vulnificus có biệt danh “vi khuẩn ăn thịt người” chỉ lây nhiễm trong môi trường nước lợ, nước mặn.

Bệnh Whitmore có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, người dân cần hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, bao gồm đất, nước, bùn lầy. Trong trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc, cần sử dụng găng tay, ủng cao su… và bảo đảm vệ sinh trước và ngay sau khi tiếp xúc.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ