Đại biểu quốc hội Thanh Hoá tham gia thảo luận tại tổ

19:39 - 25/05/2022

(TTV) - Chiều ngày 24/5 và sáng ngày 25/5, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá đã thảo luận tại tổ Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; T ổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo ; Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022 và một số nội dung quan trọng khác .

 

Thảo luận tại tổ, đa số các đại biểu Quốc hội đều đồng tình, nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ xung quanh các dự án. Trong đó, nhấn mạnh về sự cần thiết đầu tư cho đường mòn Hồ Chí Minh. Thực tế, tại Quốc hội khóa 11 đã ban hành nghị quyết thông qua nội dung này, nhưng tới nay sau gần 20 năm vẫn chưa thực hiện xong. Hiện việc triển khai xây dựng đường Hồ Chí Minh còn chậm, đến nay, mới hoàn thành 2.362 km/2.744 km đạt 86,1%, còn lại khoảng 171 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện.

Ông Lại Thế Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa
Ông Lại Thế Nguyên - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Cho ý kiến xung quanh cơ chế đặc thù của tỉnh Khánh Hòa, nhiều đại biểu đánh giá dự thảo có các quy định tương đồng với các địa phương khác đã được thông qua cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, tỉnh Khánh Hòa cần lưu ý thêm về vấn đề đất đai, thực tế đây là địa bàn chiến lược trọng yếu về an ninh quốc phòng. Do đó, cần quy định chặt chẽ hơn về vấn đề này.

Thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí và vấn đề xử lý nợ xấu, nhiều đại biểu cho rằng, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 đất nước có nhiều thuận lợi, nhưng cũng còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, thu ngân sách tăng 16,8% dự toán, đây là kết quả tích cực, xuất nhập khẩu tốt, thị trường lao động tương đối ổn định, kinh tế, dịch vụ đặc biệt là du lịch phục hồi tốt. Tuy nhiên, giá xăng dầu leo thang lại đang ảnh hưởng lớn tới mọi mặt của kinh tế. Trong đó, việc giải ngân còn chậm khiến công tác phục hồi còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Mai Văn Hải  Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa  (Liên quan đến gói phục hồi 350 nghìn tỷ đồng giải ngân còn chậm, đặc biệt trong đầu tư phát triển hạ tầng, qua thực tiễn có nhiều nội dung triển khai chậm….)
Ông Mai Văn Hải - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Liên quan tới nội dung về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Thời gian qua thực hiện việc sát nhập đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tại tỉnh Thanh Hóa được đánh giá cao. Tuy nhiên, sau sát nhập thì vẫn còn dôi dư cán bộ và các cơ sở vật chất đã được đầu tư theo chuẩn NTM. Do đó, cần có hướng dẫn để sớm đưa vào sử dụng cho đúng mục đích.

Bà Cầm Thị Mẫn  Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thanh Hóa  ( Cần phải hướng dẫn…)
Bà Cầm Thị Mẫn - Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thanh Hóa

Về việc thực hiện Nghị quyết 42 xử lý nợ xấu, nhiều đại biểu tán thành với việc kéo dài thời gian thực hiện nghị quyết. Tuy nhiên cần xem xét, đánh giá thêm một số bất cập trong thi hành để có bổ sung cho sát với thực tiễn.

Ông Bùi Mạnh Khoa  Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá
Ông Bùi Mạnh Khoa - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá

Chiều ngày 25/5, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại hội trường./.

Theo Minh Tuyết  BT/ Bản tin Thời sự tối ngày 25/5/2022