Đại dịch COVID-19 khiến tuổi thọ giảm mạnh nhất kể từ Thế chiến 2

15:38 - 27/09/2021

Đại dịch COVID-19 khiến tuổi thọ giảm mạnh nhất trong năm 2020, kể từ Thế chiến 2, theo nghiên cứu mới.

 

Nơi tưởng niệm những người tử vong trong đại dịch COVID-19 ở một nhà thờ thuộc tiểu bang Louisiana, Mỹ. Mỗi cây thánh giá tượng trưng cho 1 người đã mất. Ảnh: AFP
Nơi tưởng niệm những người tử vong trong đại dịch COVID-19 ở một nhà thờ thuộc tiểu bang Louisiana, Mỹ. Mỗi cây thánh giá tượng trưng cho 1 người đã mất. Ảnh: AFP

Reuters đưa tin, Đại học Oxford của Anh đã tiến hành một nghiên cứu phân tích tuổi thọ của người dân tại 29 quốc gia - bao gồm Châu Âu, Mỹ và Chile - để đánh giá mức độ tác động của đại dịch COVID-19.

Theo kết quả công bố trên Tạp chí Quốc tế về Dịch tễ học (International Journal of Epidemiology) ngày 27.9, tuổi thọ trung bình vào năm 2020 đã giảm hơn 6 tháng so với năm 2019 tại 22 trong số 29 quốc gia được phân tích trong nghiên cứu. Nhìn chung, 27 trong số 29 quốc gia đều bị giảm tuổi thọ.

Đại học Oxford cho biết việc giảm tuổi thọ ở các quốc gia khác nhau hầu hết liên quan đến các ca tử vong do COVID-19. Theo thống kê của Reuters, đã có gần 5 triệu ca tử vong do đại dịch COVID-19 gây ra cho đến nay.

Tiến sĩ Ridhi Kashyap, đồng tác giả của bài báo nghiên cứu, cho biết: “Thực tế, kết quả của chúng tôi nêu bật tác động lớn do COVID-19 trực tiếp gây ra, cho thấy nó đã tạo ra một cú sốc khủng khiếp như thế nào đối với nhiều quốc gia''.

Tại hầu hết các quốc gia, tuổi thọ nam giới giảm nhiều hơn nữ giới. Trong đó, tuổi thọ nam giới Mỹ chứng kiến mức giảm mạnh nhất, giảm 2,2 năm so với năm 2019.

Nhìn chung, nam giới ở 15 quốc gia mất đi nhiều hơn một năm tuổi thọ so với phụ nữ ở 11 quốc gia. Điều đó đã xóa sổ tiến bộ về tỉ lệ tử vong đã đạt được trong khoảng 5 hoặc 6 năm trước đó.

Tại Mỹ, tỉ lệ tử vong gia tăng chủ yếu ở những người trong độ tuổi lao động và người dưới 60 tuổi, trong khi ở Châu Âu, góp phần đáng kể vào gia tăng tỉ lệ tử vong là những người trên 60 tuổi.

Tiến sĩ Kashyap đang kêu gọi nhiều quốc gia, bao gồm cả các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, cung cấp dữ liệu về tỉ lệ tử vong do COVID-19 để phục vụ cho các nghiên cứu sâu hơn.

“Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi công bố và cung cấp nhiều dữ liệu hơn để hiểu rõ hơn về tác động của đại dịch trên toàn thế giới'' - bà Kashyap nói.

Theo Báo Lao động