Đại học California tiếp nhận "không công bằng" 64 sinh viên trong 6 năm

08:09 - 24/09/2020

Trong một báo cáo công bố hôm 22/9, Kiểm toán viên bang California, Mỹ cho biết hệ thống trường Đại học California đã tiếp nhận "không công bằng" 64 sinh viên từ năm 2013 đến 2019.

Đại học California đã chấp nhận một cách không thích đáng ít nhất 64 sinh viên giàu có trong 6 năm qua, chủ yếu là người da trắng, động thái ưu ái cho các nhà tài trợ, gia đình và bạn bè, trong khi từ chối những ứng viên khác đủ tiêu chuẩn hơn.

Sự việc này được cho lặp lại bê bối chạy trường năm 2019, liên quan tới ít nhất 8 trường ĐH danh tiếng gây “rúng động” khắp nước Mỹ.

 

Đại học California tiếp nhận “không công bằng” 64 sinh viên trong 6 năm - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Một góc khuôn viên Đại học California - Los Angeles, trường công lập tốt nhất nước Mỹ. Ảnh: Ella Study

Cuộc điều tra đã kiểm tra các chính sách và thực tiễn tuyển sinh trong 6 năm học tại bốn trong số chín cơ sở của hệ thống Đại học California (UC) - UCLA, UC Berkeley, UC San Diego và UC Santa Barbara.

Quy trình tuyển sinh của ĐH California “đã không đối xử công bằng và nhất quán đối với những người nộp đơn xin nhập học” – kiểm toán viên Elaine Howle viết trong bức thư gửi Thống đốc Gavin Newsom và cơ quan lập pháp của bang  California.

Hệ thống của trường ĐH California đã tuyển sinh hơn 280.000 sinh viên tại 10 cơ sở. ĐH California ở Berkeley từ lâu được xem là có uy tín nhất hệ thống và được xếp hạng trong số các trường ĐH công lập tốt nhất nước Mỹ.

Cuộc kiểm toán đã xác định 22 sinh viên được tiếp nhận với vai trò sinh viên thể thao mà không có đầy đủ chứng nhận, trong khi đó 42 sinh viên khác được nhận ở Berkeley phần lớn do các mối quan hệ gia đình hoặc quyên góp tài chính.

Trong số đó có một học sinh có gia đình là bạn của một thành viên Hội đồng quản trị, con của một nhà tài trợ lớn và một người nộp đơn là giữ trẻ cho đồng nghiệp của một cựu giám đốc tuyển sinh, theo báo cáo từ Kiểm toán Tiểu bang California.

Báo cáo không nêu tên học sinh, huấn luyện viên hoặc môn thể thao cụ thể nhưng các nhà điều tra đã xem xét sự kết hợp của các đội tại mỗi trường, bao gồm bóng đá, golf, bóng nước, bơi lội, điền kinh, bóng rổ nữ và quần vợt nam.

“Đây là một vấn đề quan trọng mà trường đại học cần phải giải quyết”, Kiểm toán viên Nhà nước Elaine Howle bày tỏ trong một cuộc phỏng vấn với báo giới. “Hãy hy vọng điều này không xảy ra trên khắp đất nước, hoặc tại các trường đại học khác ở California. Nó rất đáng quan ngại”.

Chủ tịch ĐH California Michael V.Drake cho biết ông coi những phát hiện của kiểm toán là “rất nghiêm trọng” và nhà trường sẽ “nhanh chóng giải quyết” các mối lo ngại mà báo cáo đưa ra, đồng thời kỷ luật các cá nhân có liên quan. Hệ thống này dự kiến xem xét và hành động dựa trên những phát hiện trong những tuần tới.

Một huấn luyện viên của UCLA đã thừa nhận, trường chấp nhận một sinh viên là một vận động viên, như một sự ưu ái dành cho một nhà tài trợ - ngay cả sau khi đơn đăng ký của học sinh này đã được đánh dấu “Bị từ chối", báo cáo cho biết.

Sự việc được đưa ra ánh sáng ngay sau vụ bê bối tuyển sinh năm 2019 bị Cục Điều tra liên bang phanh phui.

Tháng 4/2019, gần 50 người ở 6 tiểu bang của Mỹ là các nữ diễn viên Hollywood, lãnh đạo doanh nghiệp và huấn luyện viên đại học danh giá mới đây đã bị Bộ Tư pháp nước này buộc tội vì tham gia vào đường dây bê bối gian lận tuyển sinh.

Phụ huynh giới nhà giàu tại Mỹ đã "bắt tay" cùng William Rick Singer để thực hiện gian lận một cách có hệ thống nhằm đảm bảo con của họ được nhận vào một số trường đại học hàng đầu gồm Yale, Stanford, Texas, UCLA, USC, Wake Forest...

Ca sĩ William Rick Singer (58 tuổi), người sáng lập công ty tư vấn đại học có tên Edge College & Career Network cầm đầu vụ lừa đảo tuyển sinh đại học được cho là lớn nhất từng xảy ra ở Mỹ trong thời gian dài với lợi nhuận khổng lồ này.

Sự vụ dẫn đến việc truy tố 33 phụ huynh, bao gồm nữ diễn viên nổi tiếng phim "Những bà nội trợ kiểu Mỹ" Felicity Huffman và 13 huấn luyện viên đại học cùng một số người khác.

Vào tháng 8 vừa qua, nữ diễn viên Lori Laughlin bị kết án 2 tháng tù giam và phải nộp phạt 150.000 USD vì tham gia vào vụ bê bối, giúp 2 con gái của mình làm giả bằng cấp để vào được Đại học Nam California.

Lệ Thu/ Dân trí