Đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất bún

22:22 - 28/11/2020

(TTV) - Làng Đông Quang trước đây, nay là làng Đông Yên, xã Hà Hải, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa có nghề truyền thống sản xuất bún gạo. Đây là nguồn sinh kế của nhiều hộ gia đình từ nhiều năm nay. Để nâng cao uy tín, chất lượng của sản phẩm truyền thống, chính quyền xã đã tuyên truyền, hướng dẫn các hộ sản xuất thực hiện quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Sử dụng khẩu trang, găng tay trong suốt quá trình tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, thường xuyên vệ sinh dụng cụ, khu vực sản xuất. Những quy định bắt buộc này đến nay đã được người dân làng Đông Yên tự giác thực hiện và trở thành thói quen trong quá trình sản xuất bún. Cùng với đó, tất cả các khâu, từ ngâm gạo, xay, ủ bột đến chế biến, cho ra sản phẩm, bảo quản, vận chuyển đến người tiêu dùng đều được các hộ kinh doanh thực hiện trong điều kiện đảm bảo vệ sinh.

Trước đây, hầu hết các hộ dân trong làng Đông Yên đều làm bún theo phương pháp thủ công. Khoảng 10 năm trở lại đây, số lượng các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ dần thu hẹp lại. Nhiều gia đình đã đầu tư hệ thống máy sản xuất bún hiện đại trị giá hàng trăm triệu đồng. Hiện làng có 8 cơ sở sản xuất bún quy mô lớn, với tổng công suất hàng chục tấn bún mỗi ngày, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Bún của làng Đông Yên được tiêu thụ rộng rãi trên địa bàn các huyện Hà Trung, Nga Sơn, Hậu Lộc, thị xã Bỉm Sơn và các huyện của tỉnh Ninh Bình.

Mặc dù chính quyền xã Hà Hải và người dân làng Đông Yên đã có nhiều nỗ lực trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường nhưng do các cơ sở sản xuất bún vẫn nằm trong khu dân cư nên nguy cơ ô nhiễm môi trường chưa được khắc phục triệt để.

Việc quy hoạch, xây dựng khu sản xuất tập trung, đầu tư hạ tầng, hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường sẽ là điều kiện để nghề sản xuất bún truyền thống của làng Đông Yên phát triển bền vững./.

Bản tin Thời sự tối TTV