Đảm bảo công tác y tế ứng phó với các thảm họa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2021

18:17 - 07/04/2021

(TTV)- UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành kế hoạch về việc Đảm bảo công tác y tế ứng phó với các thảm họa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2021.

 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhằm mục đích:

- Bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu ứng phó, khắc phục hậu quả khi có những hiểm họa, thảm họa xảy ra.

- Cải thiện khả năng tiếp cận của những người dễ bị tổn thương đối với các dịch vụ y tế dự phòng và chữa bệnh.

- Khôi phục chức năng cơ bản của dịch vụ y tế tại chỗ; giảm nguy cơ bùng phát và các tình huống khẩn cấp khác về sức khỏe.

UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch về việc Đảm bảo công tác y tế ứng phó với các thảm họa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2021.

Theo đó:

1. Sở Y tế:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, tổ chức đoàn thể và địa phương, hướng dẫn chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc triển khai thực hiện các nội dung của kế hoạch.

- Thành lập Ban chỉ đạo Hệ thống đáp ứng nhanh ngành Y tế, hướng dẫn các cơ sở y tế cấp tỉnh, huyện thành lập Đội đáp ứng nhanh tại đơn vị.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, tổ chức đoàn thể và địa phương xây dựng quy trình/phương án đảm bảo công tác y tế ứng phó với thảm họa, trong đó quy định rõ vai trò, trách nhiệm tham gia phối hợp của các bên liên quan.

- Chủ động tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về triển khai các hoạt động y tế ứng phó thảm họa cho các đối tượng theo kế hoạch.

- Phối hợp với BCH Quân sự tỉnh, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, các sở, ngành có liên quan và địa phương tổ chức diễn tập về công tác quân - dân y kết hợp, hoạt động đáp ứng y tế theo các kịch bản xây dựng.

2. Sở Tài chính:

- Căn cứ vào tình hình thực tế khi thảm họa xảy ra, trên cơ sở đề xuất của Sở Y tế và các đơn vị, địa phương có liên quan, Sở Tài chính tham mưu, báo cáo UBND tỉnh bố trí nguồn ngân sách địa phương để ứng phó.

- Phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành địa phương hướng dẫn sử dụng nguồn kinh phí, kiểm tra và quyết toán nguồn kinh phí đã sử dụng theo quy định hiện hành.

3. Sở Thông tin và Truyền thông:

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các tổ chức đoàn thể và UBND cấp huyện triển khai các hoạt động truyền thông về hoạt động cứu trợ nói chung và hoạt động cứu trợ y tế nói riêng khi xảy ra thảm họa; tuyên truyền kiến thức về xử lý môi trường, phòng bệnh cho người dân trong giai đoạn phục hồi.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Phối hợp với Sở Y tế tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng sơ cứu, cấp cứu cho đối tượng học sinh, giáo viên các cơ sở giáo dục.

5. Các sở, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND xã, phường, thị trấn:

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch triển khai, bố trí nguồn lực tổ chức tốt các nội dung của kế hoạch.

6. Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh, Hội Chữ thập đỏ.

- Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh tăng cường tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân nỗ lực vượt qua thiên thai, thảm họa; phát động các phong trào quyên góp từ thiện để ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do thảm họa gây ra.

- Hội Chữ thập đỏ tham gia công tác đảm bảo hậu cần trong các hoạt động cứu trợ trường hợp xảy ra thảm họa; tổ chức phổ biến kiến thức về sơ cấp cứu ban đầu cho người dân; tổ chức các điểm sơ cấp cứu ban đầu tại khu vực xảy ra thảm họa; phát động các phong trào tình nguyện để giảm nhẹ thiệt hại do thảm họa gây ra.

7. Các tổ chức, lực lượng đóng trên địa bàn tỉnh, huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn:

Chịu sự điều động và chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn địa phương.

Xem chi tiết tại đây

Theo Cổng TTĐT tỉnh Thanh Hóa