Đằng sau các quan điểm trái ngược trên mạng xã hội

19:57 - 24/08/2019

(TTV) - Lợi dụng kẽ hở trong việc kiểm soát nội dung thông tin của nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội cũng như sức lan tỏa rộng rãi của hệ thống ứng dụng này, mỗi ngày, có hàng chục tài liệu vô căn cứ về tình hình chính trị - an ninh - kinh tế - xã hội của Việt Nam được phát tán lên mạng xã hội dưới hình thức trình bày quan điểm trái ngược. Vậy điều gì ẩn sau những bài viết này? Và ai là người đứng sau các tài khoản facebook, zalo thu hút hàng trăm, hàng ngàn lượt yêu thích, chia sẻ đó?

 

Phạm Văn Điệp bị bắt giữ
Phạm Văn Điệp bị bắt giữ

Dưới lớp vỏ Việt kiều Nga, lên tiếng vì nền chính trị trong sạch, minh bạch của quê hương, từ năm 2010, Phạm Văn Điệp, sinh năm 1965 ở phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn đã đăng tải, chia sẻ và live stream hàng trăm bài viết, video so sánh chế độ chính trị Việt Nam và các nước, phân tích, bình luận các thông tin liên quan trực tiếp đến các sự kiện chính trị - kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc triển khai dự án Quảng trường biển tại thành phố Sầm Sơn. Thế nhưng, đằng sau những bài viết có vẻ hợp lý ấy, là những luận điệu xuyên tạc vô căn cứ, không bằng chứng, kêu gọi đa nguyên, đa đảng, phủ nhận thành tựu của đất nước và kích động, kêu gọi biểu tình trái pháp luật.

Ngoài ra, theo tài liệu của cơ quan an ninh điều tra, Phạm Văn Điệp là đối tượng cơ hội chính trị, đã từng đi du học tự túc lại Liên bang Nga, sau đó bỏ học và tham gia vào Đảng Dân chủ 21 – một tổ chức phản động, chống phá nhà nước Việt Nam tại nước ngoài. Tháng 6/2016, Phạm Văn Điệp bị chính quyền nước CHDCND Lào bắt giữ về hành vi làm và rải truyền đơn chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam, bị kết án 21 tháng tù giam về tội “sử dụng lãnh thổ nước CHDCND Lào chống lại nước láng giềng”. Với bản chất ngoan cố, Phạm Văn Điệp lại tiếp tục con đường cũ, và đến tháng 6/2019, phải đối mặt với lệnh bắt tạm giam 4 tháng.

Ông Vũ Thắng Nhung (Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn) cho biết: "Năm 2010, chúng tôi có sang cửa khẩu nhận đối tượng Điệp về địa phương quản lý sau khi thụ án ở Campuchia. Nhưng về địa phương, mặc dù được tuyên truyền vận động, nhưng Điệp vẫn sử dụng mạng xã hội để phát tán những thông tin sai sự thật, vu cáo, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự của Việt Nam nói chung và địa phương nói riêng"

Trường hợp của Phạm Văn Điệp không phải là hiếm. Lực lượng chức năng cho biết, đằng sau những tài khoản, trang mạng xã hội lan truyền các thông tin xấu, độc, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia của Việt Nam hầu hết là các đối tượng thuộc các tổ chức phản động, chống phá ở nước ngoài. Không chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận và chia sẻ luồng tư tưởng sai trái, thù địch, các đối tượng này được chính các tổ chức phản động nói trên cung cấp kinh phí hoạt động, chỉ đạo định hướng tuyên truyền với mục tiêu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm lung lạc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Để đấu tranh, phản bác có hiệu quả đối với các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã khẳng định, một trong những yêu cầu tiên quyết đặt ra là toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là bản thân người dùng mạng cần nâng cao nhận thức, xây dựng thế chủ động, phản bác các luận điệu này một cách thuyết phục.

Trước sự lên án mạnh mẽ của các quốc gia về vấn nạn tin giả, tin sai sự thật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình ổn định an ninh trật tự, hiện nay, Facebook, Google và một loạt các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội khác đã triển khai các chính sách siết chặt quản lý tài khoản, đáp hồi yêu cầu phong tỏa, ngăn chặn thông tin xấu, độc từ các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, việc đấu tranh với các luận điệu sai trái, đe dọa an ninh quốc gia, đoàn kết dân tộc cốt yếu vẫn phụ thuộc vào sự tỉnh táo của chính người dùng mạng, để tránh mắc mưu của các thế lực thù địch.

Tuyết Hạnh – Linh Sơn

Theo Bản tin thời sự Tối/TTV