Đánh bắt hải sản tận diệt tại Quảng Xương: Ngư dân kêu cứu, chính quyền thờ ơ

19:40 - 07/08/2018

(TTV) - Đánh bắt hải sản bằng lưới vây với kích thước mắt lưới nhỏ được xem là hình thức đánh bắt tận diệt và đã bị cấm từ nhiều năm nay. Thế nhưng, tại bờ biển thuộc địa bàn các xã Quảng Hải, Quảng Lưu và Quảng Thái, huyện Quảng Xương, 2 cụm lưới vây vẫn hoạt động rầm rộ từ năm 2012 đến nay mà chưa bị xử lý triệt để.

Gắn bó với nghề đánh bắt hải sản ven bờ đã hơn 50 năm, nhưng chưa bao giờ, ông Lê Đình Tú ở thôn 5, xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương lại thấy nguồn cá mực sụt giảm nghiêm trọng như 5 năm trở lại đây. Ông Tú cho biết, kể từ khi vùng biển quê ông xuất hiện nghề thả lưới vây, những ngư dân đánh bắt theo lối truyền thống như gia đình ông gần như không có thu nhập bởi 1 lần thả lưới, cụm lưới vây có thể quét sạch thủy hải sản ven biển trong phạm vi chiều dài khoảng 1, 5 đến 1,8km, vươn xa ra mặt biển hơn 2km.

 

Ông Lê Đình Tú (Thôn 5, xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương) cho biết: "Ngư dân chúng tôi rất bức xúc, họ đánh bắt hết cả cá lớn lẫn cá bé, mà cá bé cũng có làm mắm hay làm gì được đâu, bắt hết thế còn đâu cá nữa"

Theo người dân địa phương, khu vực bờ biển chạy dọc các xã Quảng Hải, Quảng Lưu và Quảng Thái, huyện Quảng Xương có 2 cụm lưới vây. Chỉ trừ những ngày biển động, còn lại, ngày nào 2 cụm lưới này cũng hoạt động hết công suất. Vào mùa cá sinh sản, mỗi lần buông lưới, đội lưới vây này có thể thu hoạch từ 3 đến 4 tấn cá đủ loại, giao dịch mua bán thủy hải sản cũng được diễn ra sôi động ngay trên bờ biển.


Để tìm câu trả lời, phóng viên đã tìm đến UBND xã Quảng Hải – một trong những địa phương mà người dân phản ánh tình trạng đánh bắt đang diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, đại diện UBND xã khẳng định, trên địa bàn xã không có công dân nào trang bị cụm lưới vây và cũng không xảy ra tình trạng đánh bắt bằng lưới vây.Với phạm vi phủ lưới rộng và kích thước mắt lưới nhỏ, những loại cá con như hình trên đây cũng khó lòng có thể thoát khỏi lưới của ngư dân. Đây được xem là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sụt giảm nghiêm trọng lượng thủy hải sản ven bờ tại khu vực biển Quảng Xương trong những năm qua. Câu hỏi đặt ra ở đây là chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã ở đâu khi tình trạng đánh bắt hải sản bằng lưới vây đã diễn ra nhiều năm đến vậy.

Ông Bùi Ngọc Thủy (Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương) cho biết:   "Chúng tôi cắt cử lực lượng CA xã đi kiểm tra thường xuyên, chỉ có người dân Quảng Hải có kết hợp với dân Quảng Lưu đi đánh bắt chứ ở Quảng Hải là không có tình trạng này  "
Ông Bùi Ngọc Thủy (Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương) cho biết: "Chúng tôi cắt cử lực lượng CA xã đi kiểm tra thường xuyên, chỉ có người dân Quảng Hải có kết hợp với dân Quảng Lưu đi đánh bắt chứ ở Quảng Hải là không có tình trạng này "

Còn chính quyền xã Quảng Lưu thì cho biết, hiện trên địa bàn có 2 cụm lưới vây đang hoạt động. Do vốn đầu tư cụm lưới vây lên đến hàng tỷ đồng, nên để tạo điều kiện cho người dân đánh bắt, có nguồn thu nhập để trả nợ ngân hàng, UBND nhân xã vẫn cho 2 cụm lưới vây hoạt động nhưng đã yêu cầu cắt bỏ hết phần mắt lưới nhỏ không đúng quy định. Song chính quyền địa phương lại không hề có con số thống kê về sản lượng và loại thủy hải sản đánh bắt qua hình thức này.

Ông Mai Xuân Chiến (Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương) cho biết:  "Chúng tôi cũng kết hợp với Đồn Biên phòng 122 Sầm Sơn đi kiểm tra suốt, không có vấn đề gì. Việc tuyên truyền thì mình cũng đã phổ biến quy định cho người dân rồi "
Ông Mai Xuân Chiến (Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương) cho biết: "Chúng tôi cũng kết hợp với Đồn Biên phòng 122 Sầm Sơn đi kiểm tra suốt, không có vấn đề gì. Việc tuyên truyền thì mình cũng đã phổ biến quy định cho người dân rồi"

Rõ ràng, câu trả lời của chính quyền các địa phương đang hoàn toàn trái ngược với thực tế khi việc đánh bắt thủy hải sản bằng lưới vây mắt nhỏ theo hình thức tận diệt vẫn đang diễn ra rầm rộ khiến người dân vô cùng bức xúc. Điều này cho thấy, công tác quản lý tại các địa phương đang bộc lộ nhiều lỗ hổng, đặc biệt là trong việc phối hợp chặt chẽ, kiểm tra, giám sát thường xuyên nhằm chấm dứt tình trạng tận diệt nguồn thủy hải sản.

Tuyết Hạnh – Xuân Sơn – Văn Lộc